Dạy học đọc hiểu văn bản truyện cho học sinh lớp 4, 5 theo quan điểm giao tiếp



1. Lí do chọn đề tài 

1.1. Quan điểm giao tiếp cùng quan điểm tích hợp và quan điểm tích cực hóa hoạt động của học sinh là ba quan điểm mà BGDĐT chỉ đạo việc xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa và đổi mới hoạt động dạy học môn Tiếng Việt ở tiểu học hiện hành. Dạy học Tiếng Việt theo quan điểm giao tiếp là tổ chức cho học sinh học trong giao tiếp, bằng giao tiếp, vì mục đích giao tiếp, để thực hiện mục tiêu “hình thành và phát triển ở học sinh các kĩ năng sử dụng tiếng Việt (nghe, nói, đọc, viết) để học tập và giao tiếp trong các môi trường hoạt động của lứa tuổi”. Từ mục tiêu này, chương trình, SGK Tiếng Việt đã chú ý tổ chức các hoạt động học của HS để các em vừa học tốt tiếng Việt vừa nâng cao năng lực giao tiếp. Song quá trình triển khai quan điểm giao tiếp trong dạy học Tiếng Việt ở tiểu học, trong đó có dạy học đọc hiểu văn bản truyện, chúng tôi thấy vẫn còn nhiều việc cần bổ sung, làm rõ để đáp ứng nhu cầu đặt ra từ thực tiễn dạy học Tiếng Việt ở trường phổ thông. 

1.2. Đọc hiểu có bản chất giao tiếp và đối tượng của đọc hiểu là văn bản là sản phẩm giao tiếp đa dạng. Giao tiếp trong Tiếng Việt có hai quá trình: Tạo lập lời nói hoặc viết gọi là kí mã, được dạy chủ yếu trong phân môn Tập làm văn và tiếp nhận lời nói hoặc văn bản nhằm lĩnh hội, cảm hiểu gọi là giải mã, được dạy chủ yếu trong giờ Tập đọc. Quan hệ giao tiếp trong quá trình tổ chức cho học sinh đọc hiểu gồm giao tiếp sư phạm và giao tiếp văn học. Giao tiếp sư phạm là giao tiếp thầy – trò, giao tiếp trò – trò, nhóm trò để cùng nhau nhập vai, nhập cuộc, trải nghiệm cuộc sống trong tác phẩm. Giao tiếp văn học là giao tiếp giữa bạn đọc học sinh với nhà văn, với các nhân vật, với người phát ngôn trong bài văn. Sáng tác tác phẩm là nhà văn đang thực hiện cuộc giao tiếp với bạn đọc, nhà văn dùng văn học làm phương tiện truyền tải thông điệp giữa người “phát” (nhà văn) và người “nhận” (độc giả). Văn bản tạo môi trường giao tiếp, trong đó các tình huống giao tiếp cần được xử lý, đánh giá. Vì vậy, khi học sinh đọc hiểu văn bản cũng có nghĩa là học sinh đang giao tiếp, thực hành giao tiếp. Vậy tổ chức các hoạt động giao tiếp cho HS trong quá trình đọc hiểu văn bản trong giờ tập đọc sẽ phải làm những gì, dựa trên cơ sở lý luận nào. Cần phải tìm cách làm để cụ thể hóa quan điểm giao tiếp trong dạy học đọc hiểu để phù hợp với tuổi tiểu học. 

1.3. Văn bản truyện được chọn dạy trong chương trình phân môn Tập đọc lớp 4,5 khá phong phú về cả hình thức và nội dung, phù hợp với nhu cầu nhận thức và học tập của học sinh. Lứa tuổi tiểu học, em nào cũng thích đọc truyện. Các em có thể đọc truyện mọi lúc mọi nơi. Trong con mắt người lớn, truyện là trường học với trẻ em, dạy dỗ các em nhiều điều về cách sống, cách nghĩ, cách hành động. Truyện có nhiều bài học quý, nhiều lời khuyên chân thành mà sâu sắc. Đọc truyện, trẻ sẽ tự làm giàu vốn ngôn ngữ, vốn sống, trí khôn và khả năng tưởng tượng. Còn với trẻ em, truyện là người bạn tâm tinh, cho em thỏa mãn trí tò mò, cho em được trải nghiệm những tình huống truyện vừa thơ mộng, kỳ lạ, vừa căng thẳng. Đọc truyện, các em tưởng tượng như đang được sống với câu chuyện, được gặp gỡ các nhân vật. Đọc văn bản truyện, các em theo đuổi diễn biến câu chuyên nên dù có gặp một vài từ ngữ lạ, không hiểu nghĩa, các em vẫn vượt qua, đọc tiếp. Cách đọc, cách hiểu văn bản của học sinh có những khác lạ, không giống người lớn. Trong giờ Tập đọc, các em được luyện đọc đúng từng tiếng, từng từ, câu, đoạn, bài và phải đọc to, đọc thành tiếng để các bạn trong lớp như những giám khảo đánh giá, nhận xét. Còn khi tìm hiểu nội dung bài đọc, các em được luyện kỹ năng đọc thầm theo đoạn. Đọc thầm là đọc lướt, cho phép vượt qua một số từ ngữ các em thấy lạ. Hai yêu cầu đọc như vậy trong giờ tập đọc là phù hợp với tâm lý lứa tuổi tiểu học. Vấn đề đặt ra là có thể có một cách đọc hiểu văn bản truyện cho riêng tuổi tiểu học không? 

1.4. Dạy đọc hiểu văn bản đang là một trong những nội dung được nhiều nhà nghiên cứu giáo dục quan tâm. Dạy đọc hiểu ở nhà trường cần hướng đến việc dạy cho học sinh phương pháp tự đọc để các em có khả năng đọc – hiểu được các văn bản ngoài nhà trường. Các công trình nghiên cứu về dạy học đọc hiểu khá phong phú và có giá trị, giúp cho dạy học đọc hiểu ở nhà trường tiểu học đạt hiệu quả. Dạy Tập đọc cho học sinh tiểu học đã có quy trình cụ thể rõ ràng và sau mỗi bài tập đọc, SGK đã cung cấp các câu hỏi giúp giáo viên tổ chức cho học sinh đọc hiểu văn bản. Tuy nhiên quy trình dạy học và bài tập hiện hành chủ yếu hướng vào mục tiêu cung cấp kiến thức, rèn kỹ năng tiếng Việt, chưa tạo nhiều cơ hội cho học sinh thực hành giao tiếp và liên hệ vận dụng các kiến thức, kĩ năng đã học vào thực tiễn cuộc sống. Dạy Tập đọc, dạy đọc hiểu trong giờ Tập đọc theo quan điểm giao tiếp sẽ phải dạy như thế nào? Làm thế nào để học sinh tiểu học sau quá trình học cách đọc hiểu theo chương trình, SGK sẽ có khả năng tự đọc hiểu các văn bản ngoài chương trình học? Từ nhận thức bối cảnh thực tiễn và lí luận đặt ra, chúng tôi chọn đề tài “Dạy học đọc hiểu văn bản truyện cho học sinh lớp 4,5 theo quan điểm giao tiếp” để nghiên cứu. 

2. Mục đích nghiên cứu 

Đề xuất các biện pháp dạy học đọc hiểu văn bản truyện trong giờ Tập đọc theo quan điểm giao tiếp cho học sinh lớp 4, 5 nhằm góp phần nâng cao năng lực đọc hiểu và kết quả học tập môn Tiếng Việt của học sinh. 

3. Khách thể, đối tượng và phạm vi nghiên cứu 

3.1. Khách thể nghiên cứu Dạy học đọc hiểu ở lớp 4,5 gắn với mục tiêu phát triển năng lực giao tiếp của người học. 

3.2. Đối tượng nghiên cứu Quá trình dạy học đọc hiểu cho học sinh lớp 4,5 theo chương trình, sách giáo khoa hiện hành làm phát triển năng lực giao tiếp của học sinh. dạy học đọc hiểu ở lớp 4, 5, trong trường tiểu học. 

5. Nhiệm vụ nghiên cứu

5.1. Xác định cơ sở lí luận và cơ sở thực tiễn của việc dạy học đọc hiểu văn bản truyện theo quan điểm giao tiếp cho học sinh lớp 4,5 

5.2. Xây dựng các biện pháp dạy học đọc hiểu văn bản truyện ở lớp 4, 5 theo quan điểm giao tiếp trong phân môn Tập đọc. 

5.3. Thực nghiệm khoa học để kiểm tra tính khả thi và tác động của các biện pháp dạy học đọc hiểu văn bản truyện ở lớp 4, 5 theo quan điểm giao tiếp trong phân môn Tập đọc. 

6. Phương pháp nghiên cứu 

6.1. Các phương pháp nghiên cứu lí luận 

6.1.1. Phương pháp tổng quan lí luận Tập hợp hệ thống tư liệu lí luận và phân tích, hệ thống hóa để định hướng cho việc xây dựng cơ sở lí luận của nghiên cứu. 6.1.2. Phương pháp so sánh Để nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và so sánh phương pháp dạy học đọc hiểu văn bản truyện của các nước với phương pháp dạy học văn bản truyện của Việt Nam. 6.1.3. Phương pháp khái quát hóa lí luận Để xây dựng hệ thống quan điểm, khái niệm, phương pháp luận và khung lí thuyết của nghiên cứu. 

6.2. Các phương pháp nghiên cứu thực tiễn 

6.2.1. Phương pháp điều tra 

Điều tra được tiến hành bằng các kĩ thuật bảng hỏi, quan sát, dự giờ, phỏng vấn, lấy ý kiến chuyên gia độc lập để có dữ liệu đánh giá thực trạng

6.2.2. Phương pháp thực nghiệm Thực nghiệm được tiến hành để kiểm tra tính khả thi và tác động sư phạm của các biện pháp dạy học đọc hiểu theo quan điểm giao tiếp cho học sinh lớp 4, 5. 

6.2.3. Phương pháp tổng kết kinh nghiệm Phân tích hồ sơ quản lí, hồ sơ giảng dạy, hồ sơ học tập, phỏng vấn, trò chuyện để học hỏi kinh nghiệm đã có và những giá trị cần kế thừa. 6.2.4. Phương pháp nghiên cứu trường hợp Để phân tích chuyên biệt kết quả thực nghiệm thể hiện ở thành tích của một số học sinh thuộc nhóm thực nghiệm. 

6.3. Các phương pháp khác 

6.3.1. Phương pháp chuyên gia để thu thập dữ liệu bổ sung cho đánh giá thực trạng và thực nghiệm. 

6.3.2. Phương pháp xử lí số liệu và đánh giá thống kê Đề tài sẽ sử dụng công thức thống kê toán học để tổng hợp kết quả điều tra, thực nghiệm, chứng minh độ tin cậy của các kết quả nghiên cứu. 

7. Luận điểm bảo vệ 

7.1. Đọc hiểu là một mặt của hoạt động giao tiếp. Dạy học đọc hiểu là tổ chức cho học sinh hiểu văn bản về nội dung và phương thức biểu đạt, từ đó phản hồi và vận dụng. 

7.2. Dạy học đọc hiểu theo quan điểm giao tiếp phải chú ý đến đặc điểm tâm lý, đặc điểm cảm thụ của học sinh thì việc học tập mới có thể đạt kết quả tốt. 

8. Đóng góp mới của luận án 

8.1. Góp phần phát triển cơ sở lí luận của việc đọc hiểu và dạy học đọc hiểu theo quan điểm giao tiếp trong môn Tiếng Việt ở tiểu học. 

8.2. Phát hiện một số kinh nghiệm tốt trong dạy học đọc hiểu văn bản truyện ở tiểu học theo quan điểm giao tiếp, cũng như một số hạn chế trong quá trình dạy học đọc hiểu văn bản truyện. 

8.3. Đề xuất các biện pháp mới để dạy học đọc hiểu văn bản truyện ở lớp 4, 5 dựa vào kĩ thuật thiết kế dạy học và hệ thống bài tập được thực hiện theo trình tự hợp lí, thích hợp với nhiệm vụ dạy học đọc hiểu cho học sinh.

9. Cấu trúc luận án 

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và kiến nghị, Danh mục tài liệu tham khảo và Phụ lục, luận án gồm 4 chương: 

Chương 1. Cơ sở lí luận của dạy học đọc hiểu văn bản truyện cho học sinh lớp 4,5 theo quan điểm giao tiếp 

Chương 2. Cơ sở thực tiễn của dạy học đọc hiểu văn bản truyện cho học sinh lớp 4, 5 theo quan điểm giao tiếp 

Chương 3. Biện pháp dạy học đọc hiểu văn bản truyện cho học sinh lớp 4,5 theo quan điểm giao tiếp 

Chương 4. Thực nghiệm sư phạm

...

Link Google Drive tải file đầy đủ, miễn phí

Nguồn: ST


Nếu khi tải tài liệu bị lỗi, hãy liên hệ admin tại mục LIÊN HỆ-HỖ TRỢ trên website để được cập nhật/fix lỗi link tải mới.

Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/

Previous Post Next Post

QC

QC