Skkn Hướng dẫn học sinh cách làm bài văn nghị luận về tác phẩm văn học lớp 9

 


1- PHẦN MỞ ĐẦU.

1.1.Lý do chọn sáng kiến.

     Văn học vốn rất gần gũi với cuộc sống, mà cuộc sống bao giờ cũng muôn màu và vô cùng phong phú. Mỗi tác phẩm văn chương là một mảng cuộc sống đã được nhà văn chọn lọc phản ánh. Vì vậy, môn Văn trong nhà trường có một vị trí rất quan trọng. Văn học là bộ môn dễ gây xúc động, vui buồn, tác động nhiều nhất đến thế giới nội tâm của con người, bồi đắp “tình cảm tâm hồn” con người trở nên trong sáng, phong phú và sâu sắc hơn. Bởi qua giờ học Văn, khi tiếp xúc với các tác phẩm văn chương, học sinh cảm thụ những vẻ đẹp muôn màu của cuộc sống, hướng các em tới đỉnh cao của chân, thiện, mỹ. Văn chương "chắp đôi cánh" để các em đến với mọi thời đại văn minh, với mọi nền văn hoá, xây dựng trong các em những tư tưởng tình cảm sâu sắc, tinh tế, niềm tin vào cuộc sống, con người. 

Trong những năm gần đây, việc dạy văn đã và đang trở thành một “điểm nóng” ngày càng thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Dư luận cho rằng, học sinh hiện nay không thích học văn, thậm chí các em không thích đọc truyện, đặc biệt là các tác phẩm văn học. Nhiều ông bố, bà mẹ đã than phiền rằng con họ không thích đọc sách văn học. Phần lớn các em chỉ thích đọc truyện tranh, lướt web hay xem facebook. Có thầy giáo đã nhận xét: “Đối với môn Văn, đã từ lâu vẫn tồn tại tình trạng nhiều học sinh học theo kiểu đối phó, các em lười đọc, lười suy nghĩ về tác phẩm, không chú trọng kĩ năng diễn đạt” (Nguyễn Quỳnh Hoa: Vài suy nghĩ về bài thi môn Văn tốt nghiệp THPT. Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ. Số 9. 2007.Tr18). Vì vậy, nhiệm vụ của người giáo viên dạy văn là phải làm cho học sinh hiểu được cái hay, cái đẹp của tác phẩm văn học, kích thích sự hứng thú học văn cho học sinh. Một giờ dạy văn là phải tạo ra được những rung động thẩm mĩ sâu sắc khiến người học say mê; có khả năng cảm nhận, phân tích, đánh giá ... về các vấn đề, khía cạnh đặt ra trong tác phẩm, từ đó hình thành các kĩ năng, để có thêm kinh nghiệm về cách làm, viết hay bài văn nghị luận về tác phẩm văn học.

  Để viết được bài văn hay đạt điểm cao là ước muốn và cũng là sự băn khoăn của rất nhiều học sinh. Thực tế, nhiều em chăm chỉ học tập, chịu khó đọc sách và kiên trì rèn luyện nhưng kết quả bài làm vẫn không như mong muốn. Vậy, làm thế nào để giúp học sinh viết được bài văn đạt điểm cao? Đây là cả một vấn đề lớn mà những giáo viên dạy văn luôn suy nghĩ, trăn trở trong quá trình dạy học.

Bản thân được nhà trường phân công giảng dạy khối lớp 9, tôi không ngừng tìm tòi, nghiên cứu để tìm ra các phương pháp hay giúp học sinh tiếp cận kiến thức hình thành các ý tưởng để sáng tạo trong làm bài. Vì vậy, trong quá trình giảng dạy, tôi luôn trân trọng, đánh giá cao những bài làm có nét riêng, thể hiện được những cảm xúc chân thật, những nhận xét, phân tích tinh tế, sáng tạo của các em đối với một tác phẩm (đoạn trích), một hình ảnh, một chi tiết truyện, một nhân vật (một vấn đề hay một khía cạnh của vấn đề thể hiện trong tác phẩm…). Đó chính là nguồn động viên giúp tôi đầu tư và quyết định tổng hợp các kinh nghiệm về những phương pháp Hướng dẫn học sinh cách làm bài văn nghị luận về tác phẩm văn học lớp 9”, hi vọng rằng những kinh nghiệm này phần nào giúp học sinh tháo gỡ những vướng mắc khi viết bài văn nghị luận về tác phẩm văn học ở trường THCS.

       1.2. Điểm mới trong sáng kiến.

Nghị luận về tác phẩm văn học là một kiểu bài nghị luận có vị trí quan trọng trong chương trình Tập làm văn lớp 9. Thông qua việc đọc và tìm hiểu tác phẩm văn học, học sinh chẳng những có vốn kiến thức khá phong phú về văn học (tác phẩm, thể loại …) mà còn được nâng cao dần về năng lực cảm thụ, phân tích, bình giảng tác phẩm nhằm phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh, giúp học sinh nắm vững yêu cầu và mức độ cần đạt của kiểu bài nghị luận về tác phẩm văn học trong chương trình. Đó là cơ sở để người giáo viên dạy học sinh cách viết bài bởi dạy viết là dạy cách nghĩ và phát triển tư duy; cách thức tạo lập một văn bản cách sáng tạo và giáo dục nhân cách.

1.3. Phạm vi nghiên cứu:     

        Với sáng kiến kinh nghiệm này tôi chỉ nghiên cứu trong phạm vi hẹp. Đó là chỉ ra mục đích của dạy viết văn cũng như đưa ra một số phương pháp hướng dẫn học sinh viết bài nghị luận về tác phẩm văn học ở trường THCS, đặc biệt là khối lớp 9.

        Đối tượng hướng dẫn ở đây không chỉ là học sinh học khá, giỏi bộ môn Ngữ văn mà là học sinh đại trà ở các lớp.

       1.4. Phương pháp nghiên cứu:

Phương pháp miêu tả, so sánh đối chiếu, thống kê, phân tích, tổng hợp...

       Phương pháp chủ yếu khảo sát, nắm bắt tình hình thực tiễn và đúc rút kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy hàng năm để tìm ra phương pháp hay nhất.

2. PHẦN NỘI DUNG.

 

      2.1. Thực trạng việc dạy và học viết bài văn nghị luận về tác phẩm văn học ở trường THCS.  

      Trong những năm gần đây, học sinh khối THCS nói chung và lớp 9 nói riêng viết Tập làm văn kiểu bài Nghị luận về tác phẩm văn học thường khô cứng, sáo rỗng, lúng túng và máy móc; không biết cách hình thành và triển khai luận điểm bằng một đoạn văn hay khi sử dụng dẫn chứng các em thường mắc những lỗi như bài viết thiếu dẫn chứng khiến ý kiến trở thành suy diễn, đưa dẫn chứng mà không phân tích nên ý nghĩa thiếu rõ ràng, dẫn chứng lạc nội dung vấn đề ...; lập luận thiếu chặt chẽ, diễn đạt vụng về, lủng củng…. Các em thường dựa vào văn mẫu hoặc dựa vào các ý trong đề cương hay trong dàn ý thầy cô cho sẵn mà viết lại nên rất hạn chế về mạch cảm xúc (không chân thật, còn gượng ép …). Rất ít học sinh chịu khó tìm tòi, khám phá ra các ý mới, ý riêng, ý sâu sắc, ý hay do chính bản thân các em cảm nhận, thật sự rung động với tác phẩm.

Mặt khác, đa số các em học sinh thường không tìm hiểu kĩ đề bài và tìm ý trước khi bắt tay vào làm bài viết của mình nên thường lệch lạc kiểu bài, nhầm lẫn các dạng đề. Đề bài nghị luận về tác phẩm văn học thường có các dạng đề mệnh lệnh và “mở”. Các mệnh lệnh thường gặp là “suy nghĩ”, “phân tích” (về nhân vật, tác phẩm…), “cảm nhận của em” (về nhân vật, tác phẩm...). Mà trong chương trình Ngữ văn 9, tập hai có sáu tiết cung cấp kiến thức về nghị luận văn chương (Nghị luận về thơ và nghị luận về truyện) nhưng lại không có một tiết học nào dạy về cách làm bài cụ thể ở hai dạng phân tích và suy nghĩ, cảm nhận. Trong thực tế, đề môn Ngữ văn thi vào THPT hay kì thi học sinh giỏi các cấp thì ngày càng tăng cường kiểm tra sự vận dụng sáng tạo kiến thức đã học của học sinh với hai yêu cầu cụ thể là phân tích và cảm nhận.

Về phía giáo viên, không ít thầy cô còn e ngại khi dạy phân môn Tập làm văn. Qua nhiều năm theo dõi phong trào thi đua dạy tốt ở trường, tôi nhận thấy giáo viên thường chỉ đăng kí dạy phân môn Giảng văn và Tiếng Việt. Bởi dạy phân môn Tập làm văn nhất là kiểu bài Nghị luận về tác phẩm văn học, giáo viên phải tìm tòi nghiên cứu kĩ về tác phẩm. Đối với tác phẩm thơ phải hiểu rõ nội dung tư tưởng, nghệ thuật như nhịp điệu, cách gieo vần, cấu trúc, hình ảnh, ngôn từ, giọng điệu..., đối với tác phẩm truyện phải thực sự nhập tâm vào cốt truyện, vào nhân vật, phải đặt mình trong hoàn cảnh, suy nghĩ và hành động của nhân vật; nắm vững đặc trưng thể loại, ... đòi hỏi giáo viên phải vận dụng, tổng hợp nhiều kiến thức, kĩ năng kể cả vốn sống, tư tưởng tình cảm. Vì vậy, giáo viên phải tìm ra phương pháp tích hợp giữa văn và đời, giữa thực tại và hư cấu. Nếu thực hiện được như thế, mới có thể đảm bảo được đặc trưng của phân môn: “Dạy văn - dạy người” như nhà văn M.Go-rơ-ki từng nói: “Văn học là nhân học”.

Bản thân tôi đã trực tiếp giảng dạy môn Ngữ văn, tôi nhận thấy mình và các đồng nghiệp còn bộc lộ một số hạn chế về phương pháp, chưa vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học cũng như các biện pháp tổ chức dạy học nhằm gây hứng thú cho học sinh trong các tiết học Tập làm văn. Có nhiều ý kiến cho rằng: “chất văn” trong dạy các tiết Tập làm văn không nhiều, thường khô khan, thiếu sinh động nên dễ biến giờ học trở nên nhàm chán, không thực sự thu hút sự chú ý của học sinh, chưa kích thích hứng thú và sự yêu thích của học sinh khi học viết văn.

       2.2. Các phương pháp hướng dẫn học sinh cách viết bài nghị luận về tác phẩm văn học.

  2.2.1. Những yêu cầu có tính nguyên tắc khi dạy viết.

       - Dạy viết là dạy cách nghĩ và phát triển tư duy.

Bản chất của dạy viết là rèn luyện tư duy cho học sinh (HS) cả tư duy hình tượng và tư duy lôgic qua đó mà giáo dục phẩm chất và phát triển nhân cách người học. Dạy viết có thể giúp HS phát triển tư duy lôgic qua việc phân tích đề văn, hình thành ý tưởng, tìm ý, sắp xếp ý, sử dụng các thao tác lập luận trong bài viết, rà soát và đánh giá bài viết. Sản phẩm bài viết của HS thể hiện tổng hợp vốn sống, nhân cách, năng lực văn học, năng lực tư duy, năng lực ngôn ngữ của các em. Qua bài viết, HS bộc lộ con người thực của mình, bởi vậy, việc dạy viết còn giúp hình thành các phẩm chất tốt đẹp cho người học. Vì thế, khi dạy viết, giáo viên cần chú trọng yêu cầu tạo ra ý tưởng và biết cách trình bày ý tưởng một cách sinh động, hấp dẫn, mạch lạc, sáng tạo và có sức thuyết phục. Nhiệm vụ trực tiếp của dạy viết trong nhà trường phổ thông là hình thành và phát triển cho HS kĩ năng viết.

Dạy viết theo yêu cầu phát triển năng lực HS trước hết đòi hỏi các em có kĩ năng thực hành viết, còn gọi là kĩ năng tạo lập văn bản. Kĩ năng tạo lập văn bản là kết quả của một quá trình rèn luyện thường xuyên. Để phát triển kĩ năng này, trong dạy viết giáo viên cần hướng dẫn HS nắm được các bước tạo lập văn bản, tổ chức cho các em thực hành viết theo các bước và theo yêu cầu của các kiểu văn bản.

Quy trình tạo lập văn bản gồm các bước cơ bản như:

1) Xác định mục đích và nội dung viết;

2) Thu thập tư liệu, hình thành ý tưởng và lập dàn ý cho bài viết;

3) Viết băn bản;

4) Chỉnh sửa văn bản.

Để hướng dẫn thực hiện các bước này, giáo viên cần sử dụng các câu hỏi giúp HS xác định mục đích và nội dung viết (Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết về cái gì?); giới thiệu các nguồn tư liệu, hướng dẫn tìm ý tưởng, phát triển ý tưởng và phác thảo dàn ý (ví dụ như bằng cách đặt và trả lời câu hỏi, bằng sơ đồ tư duy); yêu cầu viết văn bản; hướng dẫn HS tự chỉnh sửa và trao đổi dựa trên tiêu chí đánh giá bài viết. Thông qua mỗi bài học viết, với sự hướng dẫn của GV, HS sẽ có thói quen viết theo quy trình.

Cần chú ý tập cho HS hình thành và phát triển ý tưởng bằng những suy nghĩ của chính bản thân, không dựa dẫm và nói theo ý người khác. Muốn thế một trong những cách thức là tập cho HS biết đặt và trả lời các câu hỏi xung quanh đề tài/ vấn đề đã được nêu ra. Chẳng hạn, đề văn yêu cầu bàn về lòng nhân ái, cần đặt ra và trả lời các câu hỏi: Lòng nhân ái là gì? Những biểu hiện cụ thể của lòng nhân ái? Ngược lại với lòng nhân ái là gì? Lòng nhân ái có tác dụng gì? Làm thế nào để có lòng nhân ái? Những tác phẩm văn học nào viết về lòng nhân ái? Những sự việc, hành động cụ thể nào trong cuộc sống mà em biết chứng tỏ được lòng nhân ái? Lòng nhân ái có ý nghĩa gì đối với bản thân em.

Cũng có thể dùng bản đồ tư duy để hình thành, phát triển và trình bày hệ thống ý cho bài viết? Ban đầu nên hướng dẫn HS phác thảo, nêu tất cả mọi ý nghĩ liên quan đến đề tài/ vấn đề đặt ra, sau đó tiếp tục lựa chọn các ý gắn với trọng tâm, bỏ những ý xa vấn đề, gây tản mạn cho bài viết; sau đó sắp xếp các ý theo một bố cục và cấu trúc dàn ý phù hợp theo một hệ thống thứ bậc sau:

- Luận đề (đề tài/ vấn đề trọng tâm cần bàn bạc, làm sáng tỏ);

- Luận điểm: là các ý lớn nhằm triển khai làm sáng tỏ cho luận đề;

- Luận cứ gồm những lí lẽ và dẫn chứng nhằm làm sáng tỏ cho luận điểm;

- Lập luận là cách dẫn dắt, trình bày lí lẽ, dẫn chứng sao cho nổi bật vấn đề, hấp dẫn và tăng sức thuyết phục.

Giáo viên sử dụng những phương pháp phân tích mẫu, kĩ thuật đặt câu hỏi để hướng dẫn HS hình thành dàn ý, lựa chọn cách triển khai, diễn đạt; tổ chức cho HS thực hành viết văn bản theo cách: viết từng phần của văn bản (mở bài, kết bài, một hoặc một số đoạn trong thân bài). Định hướng chung của các phương pháp, kĩ thuật dạy viết là HS thực hành trên cơ sở được giáo viên hỗ trợ trong suốt quá trình học cách tạo lập văn bản, từ quan sát, phân tích văn bản mẫu, tự viết văn bản theo yêu cầu đến chỉnh sửa văn bản. Sau khi viết xong, HS cần có cơ hội nói, trình bày những gì đã viết.

- Dạy viết là dạy cách thức tạo lập một văn bản.

Cũng như dạy đọc là dạy cách đọc, dạy viết tập trung dạy cách viết: từ viết có hướng dẫn đến biết tự viết, biết tạo lập văn bản một cách độc lập. Tích hợp dạy viết với dạy đọc, văn bản đọc được xem là ngữ liệu mẫu để giáo viên hướng dẫn HS phân tích đặc điểm các kiểu loại văn bản, cách thể hiện ý tưởng, ngôn ngữ biểu đạt…, từ đó yêu cầu HS tạo lập văn bản của chính mình. Giáo viên nên thực hiện các bước hỗ trợ HS học viết: từ phân tích văn bản mẫu cùng kiểu loại nhưng khác đề tài với văn bản cần viết, đến cùng HS viết một văn bản tương tự cùng kiểu loại khác đề tài, rồi yêu cầu HS tự viết văn bản theo yêu cầu. Giáo viên cần yêu cầu HS thực hiện những nhiệm vụ phức tạp hơn như thu thập thông tin cho bài viết từ nhiều nguồn; thảo luận, phân tích về tiêu chí đánh giá bài viết; biết tự chỉnh sửa, trao đổi trong nhóm để hoàn thiện bài viết và rút kinh nghiệm sau mỗi lần viết bài. Ngoài việc tiếp tục phương pháp phân tích mẫu các kiểu văn bản, giáo viên cần chú ý hướng dẫn kĩ thuật viết tích cực nhằm giúp HS vừa thành thạo kĩ năng tạo lập theo từng kiểu văn bản, vừa phát triển tư duy phê phán, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo thể hiện qua bài viết.

Sau khi có hệ thống ý, giáo viên cần hướng dẫn HS luyện tập diễn đạt các ý thành văn (câu văn, đoạn văn và bài văn). Đầu tiên diễn đạt một luận đề, luận điểm thành một câu văn; tiếp đến diễn đạt một luận điểm thành một đoạn văn (ba phần) có câu mở đầu, các câu phát triển và câu kết đoạn. Tập viết đoạn văn là hết sức quan trọng, là cơ sở để viết bài văn.

Đoạn văn có thể triển khai theo nhiều cách.

Cách 1: Theo mô hình tổng - phân - hợp: nêu ý tổng quát (thường gọi câu chủ đề) trước, sau đó phát triển ý tổng quát bằng các chi tiết, ý nhỏ (lí lẽ và dẫn chứng) rồi kết lại bằng ý tổng quát.

Cách 2: Đoạn văn diễn dịch: nêu ý tổng quát trước, sau đó phân tích, phát triển bằng các lí lẽ, dẫn chứng, chi tiết…làm ý tổng quát.

Cách 3: Tập viết đoạn văn quy nạp bắt đầu từ các chi tiết, lí lẽ, dẫn chứng cụ thể sau đó tổng hợp lại bằng câu khái quát…

Đây là những cách trình bày phổ biến thường dùng khi luyện tập viết đoạn văn; khi đã thành thạo, HS có thể viết “phá cách”, không cần quá câu nệ cấu trúc mà quan trọng là có ý đúng, hay và sáng tạo, biết phát triển ý một cách chặt chẽ, rõ ràng, giàu sức thuyết phục…

Việc hướng dẫn HS luyện tập viết bài văn thực chất cũng là cách viết đoạn văn; trong đó mở bài (nêu vấn đề/đề tài) chính là câu mở đầu đoạn (câu chủ đề); thân bài là nhiều đoạn văn nhỏ, mỗi đoạn tương ứng với một luận điểm, nhằm làm sáng tỏ luận đề/ đề tài nêu ở mở bài. Kết bài chính là đoạn văn khái quát lại cho toàn bài. Trong quá trình luyện tập, GV nên sử dụng các bài tập tách ra theo các yêu cầu nhỏ, như bài tập tìm ý lớn (luận đề/ vấn đề trọng tâm), bài tập phát triển luận đề (xác định các luận điểm), bài tập nêu lí lẽ và tìm dẫn chứng; bài tập luyện viết đoạn văn quy nạp, đoạn diễn dịch, đoạn tổng phân hợp, luyện viết đoạn mở bài, kết bài, luyện viết đoạn văn phát triển một luận điểm nào đó trong phần thân bài…

Không chỉ dạy cách viết đoạn văn, bài văn mà còn luyện tập diễn đạt; cần chú ý hướng dẫn HS cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh, các biện pháp tu từ để từ viết đúng, viết hay đến viết sáng tạo, viết có chất văn. Mỗi kiểu loại văn bản có những yêu cầu về ngôn ngữ riêng. Giáo viên cần hướng dẫn để HS luyện tập huy động và sử dụng ngôn ngữ cho phù hợp và có hiệu quả. Chẳng hạn với bài nghị luận ngôn ngữ cần hùng hồn, sự dụng nhiều từ/ câu khẳng định, phủ định để tăng tính thuyết phục.

Sau khi viết xong, HS cần có cơ hội nói, trình bày những gì đã viết. Giáo viên phải tạo cơ hội để các em được viết nhiều và phải dành thời gian để sửa kĩ và nhận xét về các bài viết. Nhờ đọc các bài viết của HS mà giáo viên biết được các em có những hạn chế gì cần khắc phục. Những giải thích (bài học ngắn) về tiếng Việt (chính tả, dấu câu, dùng từ, ngữ pháp…) cũng có cơ sở từ đấy. Sau khi viết, các em có thể trao đổi cho nhau bài viết của mình và nhận xét về bài viết của bạn.

- Dạy viết là dạy cách sáng tạo và giáo dục nhân cách.

Khuyến khích sự sáng tạo, mạnh dạn thể hiện cá tính và sự độc đáo trong khi viết là một yêu cầu hết sức quan trọng và cần thiết trong dạy học viết theo định hướng phát triển năng lực HS. Hiện tượng học thuộc dàn ý, chép văn mẫu, lắp ghép bài văn từ Internet; viết theo khuôn mẫu một cách cứng nhắc, vô cảm…là một thực tế khá phổ biến và cần phải khắc phục. Nhất là khi xã hội ngày càng phát triển thì yêu cầu HS biết suy nghĩ độc lập, có chính kiến, không dựa dẫm, nói theo … ngày càng được chú trọng. Vì vậy, người học cần được rèn luyện ở tất cả các kĩ năng trong tiếp nhận cũng như tạo lập văn bản. Theo đó, giáo viên cần có thái độ và tinh thần cởi mở trong dạy học cũng như nhận xét, đánh giá bài viết của HS: đề cần theo hướng mở, chấp nhận các ý kiến trái chiều, khuyến khích nhiều cách nghĩ, cách cảm nhận và cách phân tích, đánh giá của HS; chấp nhận nhiều cách viết, cách thể hiện miễn là không phạm phải những lỗi rõ ràng như nội dung phản nhân văn, phản thẩm mĩ, sai trong dùng từ, ngữ pháp, thiếu lôgic, thiếu thuyết phục trong lập luận… Đặc biệt cần đề cao những bài viết có ý tưởng mới mẻ, độc đáo, thể hiện rõ cá tính của người viết.

Với quan điểm về rèn luyện kĩ năng viết nêu trên, không phải HS nào cũng đáp ứng ngay được các yêu cầu, không thể có ngay được kết quả tốt. HS có thể viết được ít và chưa hay, còn mắc nhiều lỗi nhưng quan trọng đó là suy nghĩ, cảm nhận của chính các em. Điều đó, còn tốt hơn nhiều so với việc HS chỉ học thuộc lòng văn mẫu, viết lại nguyên xi những điều người khác nói, không hề có suy nghĩ nào là của chính mình. Dạy văn là dạy người và góp phần giáo dục nhân cách là thế.   

2.2.2. Một số biện pháp hướng dẫn học sinh cách viết bài văn nghị luận tác phẩm văn học.

1.Tìm hiểu bài nghị luận về tác phẩm văn học.

Nghị luận văn học là bàn luận về các vấn đề văn học, có thể là tác giả, tác phẩm, ý kiến nhận định về tác phẩm, nhân vật trong tác phẩm....

Đối với tác phẩm tự sự (truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ tự sự) thì chú ý nhiều đến cốt truyện, nhân vật, tình tiết, sự kiện, tình huống truyện, nghệ thuật thể hiện. Còn với tác phẩm trữ tình cần chú ý cảm xúc của nhà thơ qua hình ảnh, âm điệu, ngôn ngữ thơ, nhịp thơ, vần thơ, biện pháp nghệ thuật, không gian và thời gian nghệ thuật

Dù là tác phẩm trữ tình hay tự sự thì trong quá trình phân tích cũng cần có những nhận xét đánh giá của ng­ười viết về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

Trong chương trình Ngữ văn 9, Nghị luận về tác phẩm văn học có hai dạng: Nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) và nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ.

Nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) là trình bày những nhận xét, đánh giá của mình về nhân vật, sự kiện, chủ đề hay nghệ thuật của một tác phẩm cụ thể. Những nhận xét, đánh giá về truyện phải xuất phát từ ý nghĩa của cốt truyện, tính cách, số phận của nhân vật và nghệ thuật trong tác phẩm được người viết phát hiện và khái quát. Các nhận xét, đánh giá về tác phẩm truyện trong bài nghị luận phải rõ ràng, đúng đắn, có luận cứ và lập luận thuyết phục. Bài nghị luận về tác phẩm truyện phải có bố cục chặt chẽ, mạch lạc, có lời văn chuẩn xác, gợi cảm.

Nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ là trình bày nhận xét, đánh giá của mình về nội dung và nghệ thuật của bài thơ, đoạn thơ ấy. Nội dung và nghệ thuật của bài thơ, đoạn thơ được thể hiện qua ngôn từ, hình ảnh, giọng điệu, ... Bài nghị luận cần phân tích các yếu tố ấy để có những nhận xét, đánh giá cụ thể, xác đáng.

Bài nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ cần có bố cục mạch lạc, rõ ràng, có lời văn gợi cảm, thể hiện rung động chân thành của ng­ười viết.

Như vậy, để đáp ứng yêu cầu làm một bài văn nghị luận về tác phẩm văn học, người GV cần cho HS hiểu rõ tính chất tổng hợp của kiểu bài nghị luận này.

2. Đề bài nghị luận về tác phẩm văn học.

*Thứ nhất là dạng đề kiểm tra tác phẩm thông thường.

Cấu trc đề về tác phẩm văn học thường gồm hai phần: phần nêu yêu cầu về nội dung và phần nêu yêu cầu về dạng bài (có thể thêm các yêu cầu khác).

Ví dụ: 1. Nhận xét về truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê, có ý kiến cho rằng: Thành công hơn cả của tác phẩm là nghệ thuật miêu tả tâm lý và ngôn ngữ nhân vật. Hãy phân tích tác phẩm để làm rõ ý kiến trên.

2. Phân tích nhân vật Phương Định trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê. Từ đó, suy nghĩ gì về thế hệ trẻ Việt Nam trong những năm chống Mỹ cứu nước.

3. Viếng lăng Bác là bài ca ân tình, cảm động, đẹp đẽ của Viễn Phương và đồng bào miền Nam đối với Bác Hồ vô vàn kính yêu.  Phân tích bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương để làm sáng tỏ nhận xét trên.

Hiện nay, nhiều em học sinh lớp 9 thường hay nhầm lẫn các dạng đề, đang băn khoăn lo lắng: “Nhiều lúc em không biết cái mình đang viết là phân tích hay cảm nhận nữa. Và nếu thầy cô ra hai đề “Em hãy phân tích đoạn thơ trên” hoặc “Cảm nhận của em về đoạn thơ trên” thì em sẽ làm hoàn toàn giống nhau”...

        Đó là những lời bộc bạch chân thành dễ hiểu. Bởi vì phân tích và cảm nhận là những thao tác cơ bản của kiểu bài nghị luận văn chương. Để học sinh viết đúng hai dạng đề này thì cần phải giúp các em phân biệt sự khác nhau giữa phân tích và cảm nhận. Tuy nhiên sự phân biệt này chỉ mang tính chất tương đối.

“Phân tích”, theo từ điển đã định nghĩa: “là cơ sở để tổng hợp, tổng hợp là mục tiêu của phân tích”. Phân tích và tổng hợp gắn bó chặt chẽ với nhau. Vậy khi làm bài phân tích đòi hỏi học sinh phải xem xét tác phẩm một cách toàn diện, khách quan từ hình thức đến nội dung. Ngòi bút của các em phải sắc bén để chia cắt đối tượng. Nếu là thơ thì tìm hiểu ngôn từ, hình ảnh, giọng điệu, ... Nếu là truyện thì tìm hiểu nhân vật, nghệ thuật kể, ý nghĩa cốt truyện... Khi gặp các dạng đề này nên phân tích dẫn chứng trước để rút ra nhận xét, đánh giá sau.

Còn “cảm nhận” là trình bày những suy nghĩ, cảm xúc, những nhận xét, đánh giá của mình về cái hay, cái đẹp của tác phẩm. Cảm nhận xoáy vào những ấn tượng chủ quan của người viết về những điểm sáng thẩm mĩ trong văn bản văn chương. Vì vậy, yêu cầu người viết phải biết lắng nghe, chắt lọc những cảm xúc, những rung động của chính mình xem yếu tố nào gây ấn tượng đậm nhất, nắm lấy nó rồi viết ra. Ấn tượng của các em về tác phẩm càng sâu đậm, ám ảnh bao nhiêu thì bài viết cảm nhận càng xúc động, sâu sắc bấy nhiêu.

Có thể nói “cảm nhận” nghiêng về “cảm” còn “phân tích” thì nghiêng về hiểu. Nếu như phân tích tác động vào nhận thức, trí tuệ thì cảm nhận tác động vào cảm xúc, tâm hồn.

Tuy nhiên, nếu phân tích mà không có cảm nhận thì bài viết sẽ rất khô khan. Chúng ta nên lồng cảm nhận vào phần tổng hợp của bài phân tích, tức là phần cuối đoạn hoặc cuối bài.

Ngược lại, cảm nhận mà không có phân tích thì cảm nhận ấy thiếu cơ sở thuyết phục. Trong cảm nhận phải có phân tích để đào sâu, làm điểm tựa, làm đòn bẩy cho cảm xúc thăng hoa cất cánh. Hay nói cách khác, mọi rung động, cảm xúc của người viết phải bắt nguồn từ sự phân tích bình giá ngôn từ, hình ảnh, giọng điệu... nhân vật, cốt truyện hay chủ đề của tác phẩm. Sau đây là một ví dụ cụ thể:

Cho đoạn thơ: Vẫn còn bao nhiêu nắng/ Đã vơi dần cơn mưa/ Sấm cũng bớt bất ngờ/ Trên hàng cây đứng tuổi.

(Sang thu, Hữu Thỉnh, Ngữ văn 9, tập hai).

Đề 1: Phân tích đoạn thơ trên.

Bài làm.... “Sang thu, cảnh vật thời tiết thay đổi. Tất cả còn những dấu hiệu mùa hạ nhưng đang giảm dần mức độ, cường độ, từ gay gắt chuyển hóa thành dịu êm. Phép tiểu đối giữa nắng và mưa, vẫn còn và đã vơi thể hiện sự phân hóa mong manh giữa hai  mùa. Bởi vì làm sao có thể đong đếm đầy vơi những những dấu hiệu của thiên nhiên lúc giao mùa. Khi đất trời sang thu, những hàng cây lâu năm không còn bất ngờ trước những tiếng sấm chuyển mùa nữa. “Sấm” và “hàng cây đứng tuổi” là hình ảnh ẩn dụ. Sấm chỉ những vang động, những sóng gió cuộc đời. Còn “hàng cây đứng tuổi” chỉ những con người từng trải, thường điềm tĩnh hơn, chín chắn thêm trước những vang động sóng gió của cuộc đời.

Từ những thay đổi của mùa thu thiên nhiên, liên tưởng đến những thay đổi của mùa thu đời người, để rồi ta thấu hiểu ra rằng “Hãy biết chấp nhận, bĩnh tĩnh sống với lòng tin. Hãy mở rộng lòng mình để yêu thiên nhiên, đất nước, con người”...

Đề 2: Trình bày cảm nhận của em về đoạn thơ trên.

Bài làm:... “Vẫn là nắng, mưa, sấm chớp, bão giông như mùa hạ, nhưng mức độ đã khác rồi. Để ý sẽ thấy cái gì cũng bắt đầu đi vào chừng mực, vào thế ổn định. Và cái “đứng tuổi” của cây là một cái chốt cửa để mở sang một thế giới khác: thế giới sang thu của hồn người. Vẻ chín chắn, điềm tĩnh của cây trước sấm sét bão giông hay đó chính là sự từng trải chín chắn của con người sau những dâu bể của cuộc đời?

Ở vào cái tuổi ấy, con người một mặt sâu sắc thêm, mặt khác lại khẩn trương gấp gáp hơn vì quỹ thời gian không còn nhiều nữa. Thì ra, trước mắt việc đi mãi, ngoảnh đầu thu đến rồi. Bốn mùa luân chuyển vô hình, lặng lẽ: bỗng chợt thu. Đời người vất vả, tất bật bận rộn, lo toan bỗng chốc thấy mái tóc pha sương: sững sờ mình cũng đã sang thu.

Nhan đề Sang thu vừa bao trùm lại vừa thấm vào cảnh vật: hương quả sang thu, ngọn gió, màn sương sang thu... Nhưng trong từng cảnh sang thu của thiên nhiên đất trời tạo vật là lồng lộng hồn người sang thu.....”

Dạng đề cho một nhận định, đánh giá rồi yêu cầu học sinh phân tích tác phẩm để làm sáng tỏ nhận định, đánh giá đó là một dạng đề khó, đòi hỏi học sinh phải tổng hợp được rất nhiều kĩ năng, kiến thức: giải thích (để hiểu rõ nhận định); chọn lọc chi tiết, đặc điểm từ tác phẩm (để chứng minh làm rõ nhận định); tổng hợp, khái quát, so sánh ...

Để làm được dạng đề này cần lưu ý:

Thứ nhất, giáo viên cần hướng dẫn HS đọc kĩ đề: “Làm sáng tỏ nhận định” có thể hiểu là chứng minh vấn đề mà nhận định đưa ra. Nhưng việc chứng minh này phải thông qua tác phẩm. Vì thế HS phải phân tích, bình luận tác phẩm để làm bài chứng minh. Muốn vậy, học sinh phải hiệu rõ về nhận định: đó là nhận định về vấn đề gì? Về nội dung hay nghệ thuật của tác phẩm? Về một nhân vật, một tác phẩm hay nhiều nhân vật, nhiều tác phẩm?

Thứ hai, sau khi giải thích rõ nội dung của nhận định, đánh giá, học sinh phải nắm rõ kiến thức về tác phẩm, nhân vật để xác định xem vấn đề đưa ra trong nhận định nằm ở khía cạnh nào của tác phẩm? Đối với dạng đề hỏi nhiều tác phẩm, nhiều nhân vật cùng lúc thì kĩ năng chọn lọc dẫn chứng, chọn lọc luận điểm tương đồng là vô cùng quan trọng.

 Thứ ba, với dạng đề “làm sáng rõ nhận định” yêu cầu không chỉ đơn giản là cần phân tích tác phẩm hay nhân vật mà còn những yêu cầu khác như so sánh ... Vì thế có thể gọi dạng đề “làm sáng tỏ nhận định” là dạng đề bao chứa rất nhiều các kĩ năng, yêu cầu, dạng bài khác nhau.

Thứ tư, cách trình bày cũng rất quan trọng. Với câu hỏi chỉ yêu cầu làm sáng tỏ nhận định qua một tác phẩm hoặc một nhân vật thì đơn giản hơn cả, học sinh chỉ việc chọn lọc dẫn chứng, tìm ý phủ hợp với nhận định rồi tuần tự phân tích. Đối với câu hỏi yêu cầu làm rõ nhận định mà không cho tác phẩm cụ thể thì học sinh cần chọn tác phẩm để phân tích (đó nên là những tác phẩm hay, đã được học qua, nhiều người biết đến và bản thân yêu thích) rồi tìm những ý tương đồng ở các tác phẩm sao cho phù hợp với nhận định đưa ra. Không nên phân tích hết bài này đến bài kia như thế bài văn sẽ rời rạc và lan man. Đối với câu hỏi yêu cầu làm sáng rõ nhận định với nhiều tác phẩm, nhiều nhân vật nên tổng hợp ý tương đồng, tổng hợp dẫn chứng tương đồng rồi phân tích theo từng ý lớn, tránh lẫn lộn, lan man và rời rạc.

Lưu ý: Dạng đề “làm sáng tỏ nhận” rất quan trọng việc huy động kiến thức. Lượng kiến thức càng dồi dào phong phú bao nhiêu, bài viết sẽ càng có chất lượng bấy nhiêu. Để làm tốt điều đó, các em phải có kiến thức chắc chắn về tác phẩm, nhân vật. Với tác phẩm truyện các em nên tóm tắt cốt truyện, với tác phẩm thơ nên học thuộc thơ. Ngoài ra nên tự thu góp cho mình những câu danh ngôn hay là tư liệu, để khi cần có thể dùng vào bài làm.

* Thứ hai là dạng đề kiểm tra tác phẩm văn học theo hướng mở.

Đề kiểm tra tác phẩm văn học theo hướng mở có thể ra theo những cách sau:

a. Đề có thể khuyết phần nêu yêu cầu về dạng bài mà ta thường gọi là lệnh.

Ví dụ 1: Tình cảm của bé Thu - nhân vật trong đoạn trích truyện Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng - đối với cha.

   2. Lòng yêu nước của thế hệ trẻ Việt Nam qua các tác phẩm: Đồng chí (Chính Hữu), Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật), Những ngôi sao xa xôi (Lê Minh Khuê).

b. Đề chỉ nêu gợi dẫn để người viết tạo văn bản theo cảm nhận, suy nghĩ riêng.

Ví dụ:

1. Về bài thơ Quê hương của Tế Hanh.

2. Nhân vật Thúy Kiều qua các trích đoạn đã học.

c. Đề nêu câu hỏi:

Ví dụ 1: Chao ôi, bắt gặp một con người như anh ta là một cơ hội hn hữu cho sáng tác. Nhưng hoàn thành sáng tác còn là một chặng đường dài.

Theo em, suy nghĩ như vậy của ông họa sĩ trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa (Nguyễn Thành Long) khi gặp anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh cao Yên Sơn có đúng không? Trình bày ý kiến bằng một bài văn ngắn.

2. Về nhân vật Dế Mèn trong chương 1 của tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài), có bạn học sinh cho rằng Dế Mèn không đáng trách. Nhưng lại có bạn khẳng định Dế Mèn thật đáng trách.

Còn ý kiến của em thế nào?

Để giải quyết một đề kiểm tra tác phẩm văn học dạng mở, các em cần lưu ý:

Đề ra theo hướng mở có mục đích khuyến khích sự sáng tạo của mỗi cá nhân. Khi làm bài, học sinh không buộc phải theo hướng tiếp nhận tác phẩm đã định sẵn. Từ đó, học sinh có cơ hội để tự bộc lộ năng lực cảm nhận tác phẩm.

Tuy vậy, sáng tạo không đồng nghĩa với sự tùy tiện đưa những nhận xét vô căn cứ, thiếu trách nhiệm. Đề mở vẫn yêu cầu học sinh thực hiện đúng những đặc trưng về kiểu bài khi tạo lập văn bản. Trong bài viết cần bảo đảm tính chính xác, khoa học về nội dung cũng như tư tưởng, tình cảm tốt đẹp. Muốn vậy, cần nắm vững tác phẩm về nội dung cũng như các giá trị khác. Nên tích cực rèn các kỹ năng: đọc hiểu, tư duy, diễn đạt. Hơn thế nữa là sự trau dồi tình cảm, hướng về những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

3. Các bước làm bài văn nghị luận về tác phẩm truyện.

Để tạo lập một văn bản nói hay viết, dù là bài hay đoạn thì chúng ta đều phải thực hiện tuần tự các bước: Phân tích đề, tìm ý và lập dàn ý, viết (nói) thành văn bản. Nếu viết thì sau đó đọc và chữa cho hoàn chỉnh. Các bước này liên quan chặt chẽ đến nhau và cùng góp phần làm nên kết quả.

Bước 1: Tìm hiểu đề, tìm ý.

Phân tích đề được xem là khâu đầu tiên, có vai trò quyết định dẫn đường, chỉ lối cho người làm bài. Nếu phân tích đúng yêu cầu của đề bài thì sẽ tìm ra được hướng đi đúng. Ngược lại, nếu phân tích sai thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu của đề, đôi khi còn bị lệch đề, lạc đề. Chính vì thế mà người GV phải hướng dẫn HS phải biết phân tích kĩ đề.

Thông thường yêu cầu của đề được thể hiện bằng câu hoặc cụm từ hay từ ngữ trong đề bài. Bởi vậy, HS cần đọc k đề để xác định và hiểu nghĩa câu hoặc cụm từ hay từ ngữ thì mới biết đề yêu cầu thực hiện nội dung gì, làm bài bằng cách thức nào...? Làm được việc ấy là bước đầu em đã hiểu đề.

        Hiểu đề rồi nhưng để giải quyết được yêu cầu của đề, không lạc đề thì em phải tìm ý. Tìm ý là tìm các nội dung sẽ trình bày trong văn bản để thực hiện yêu cầu về nội dung của đề. Cách tìm ý thường dùng là đặt câu hỏi cho các từ ngữ quan trọng trong câu nêu nội dung ở đề. Những câu hỏi quen thuộc là: tại sao, như thế nào, làm thế nào... tùy thuộc vấn đề. Hiểu chính xác đề và tìm ý đúng chính là cơ sở để không lạc đề.

Tìm ý phải tìm được những ý cụ thể, càng xác định được rõ những ý cụ thể bao nhiêu thì bài văn càng có sức thuyết phục bấy nhiêu. Nhiều khi, có những bài văn viết rất dài nhưng khi đọc không thấy toát lên những ý cụ thể. Không có ý thì không có căn cứ để cho điểm và kết quả là làm bài dài nhưng điểm lại thấp.

Chất lượng của ý có hai mức độ chủ yếu là: ý trình bày phải cơ bản và sâu sắc, mới mẻ.

 Ý cơ bản trước hết là ý đúng. Muốn có ý đúng thì phải học và ôn tập một cách có hệ thống, chắc chắn. Chẳng hạn như khi nghị luận về một tác phẩm, cần nắm vững và chính xác những thông tin về tác giả; về hoàn cảnh ra đời và giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm; về đặc điểm nội dung, nghệ thuật bao trùm giai đoạn văn học, thậm chí cả những kiến thức lí luận mang tính công cụ nữa.

Ý không chỉ đúng mà còn phải đủ về số lượng. Tùy theo từng vấn đề cụ thể mà xác định cần có bao nhiêu ý.

Để đạt được bài viết hay điểm cao, bên cạnh những ý cơ bản như trên còn phải có những ý sâu sắc, mới mẻ. Đây là mức độ lí tưởng của bài văn (nhất là đối với bài thi học sinh giỏi) bởi ý sâu sắc, mới mẽ là yêu cầu cao và khó, đòi hỏi người viết phải dày công suy nghĩ, phải có năng lực cảm thụ, phải có khả năng tư duy độc lập và sáng tạo. Trên thực tế, một bài văn chỉ cần có 1 hoặc 2 ý loại này sẽ được đánh giá rất cao. Tuy nhiên cũng cần nói thêm là ý sâu sắc, mới mẻ không có nghĩa là phải tìm ra một cách hiểu mới, một phát hiện sâu sắc về một vấn đề quen thuộc mà đôi khi chỉ là một phát hiện nhỏ hoặc một cách diễn đạt riêng cũng rất đáng trân trọng.

Ví dụ: Đề bài: Chất thơ trong truyện “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long.

*. Phân tích đề.

- Nội dung cần giải quyết: những biểu hiện của chất thơ trong truyện Lặng lẽ Sa Pa.

- Đề bài không có yêu cầu về dạng bài nhưng với nội dung vấn đề được nêu, có thể hiểu dạng bài nên dùng ở đây là nghị luận.

*. Tìm ý.

- Cần hiểu rõ thế nào là chất thơ trong tác phẩm văn xuôi để có sơ cở chứng minh, giải thích.

- Xác định các biểu hiện chất thơ trong Lặng lẽ Sa Pa.

- Tìm dẫn chứng để chứng minh cho chất thơ trong tác phẩm. Đồng thời, xác định hướng phân tích cho dẫn chứng.

Sau khi đã có được ý, bước kế tiếp GV phải hướng dẫn cho các em biết cách sắp xếp các ý (luận điểm, luận chứng, luận cứ …..theo một trình tự hợp lí. Việc làm này gọi là lập dàn ý.

Bước 2: Lập dàn bài.

      Kiểu bài Nghị luận về tác phẩm văn học thường có bố cục ba phần:

1. Mở bài: thường có những yếu tố sau:

     Giới thiệu một vài nét tiêu biểu nhất về tác giả, tác phẩm. Chú ý đến xuất xứ, hoàn cảnh lịch sử, phong cách nghệ thuật và nét đặc sắc của tác phẩm (dẫn dắt). Nêu chủ đề (hoặc ý chủ đạo) của tác phẩm, hoặc đoạn văn, đoạn thơ. Trích dẫn (có 3 cách: một là chép đủ, hai là trích dẫn đầu - cuối, ba là không trích dẫn).

 2. Thân bài:

Có thể cắt ngang, có thể bổ dọc, có thể phối hợp dọc ngang: thường thường phân tích thơ thì cắt ngang, phân tích truyện thì bổ dọc. Lần lượt phân tích từng phần, hết phần này, chuyển ý, chuyển đoạn qua phân tích phần khác, lần lượt phân tích cho đến hết. Lựa chọn yếu tố để phân tích, coi trọng các trọng tâm, trọng điểm.

  Ở mỗi phần, thao tác phân tích như sau: bám sát ngôn ngữ, hình ảnh phân tích ý và nghệ thuật; phân tích đến đâu kết hợp với trích dẫn minh họa đến đấy. Vận dụng triệt để các thao tác so sánh đối chiếu, viết lời bình, liên tưởng mở rộng.

Trình tự như sau:

- Phân tích phần 1 - chuyển ý, chuyển đoạn.

- Phân tích phần 2 - chuyển ý, chuyển đoạn.

- Phân tích phần 3,4 (nếu có).

3. Kết bài:
- Tổng hợp lại, đánh giá tác phẩm trên hai phương diện: giá trị tư tưởng và giá trị nghệ thuật.
- Nêu tác dụng của tác phẩm.
- Cảm nghĩ của người viết, hoặc của lứa tuổi.

* Dàn bài chung cho bài văn nghị luận về tác phẩm truyện (đoạn trích) như sau:

- Mở bài: Giới thiệu tác phẩm truyện hay một đoạn trích (tùy theo yêu cầu cụ thể của đề bài) và nêu ý kiến đánh giá sơ bộ của mình.

- Thân bài: Nêu các luận điểm chính về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm; có phân tích, chứng minh bằng các luận cứ tiêu biểu và xác thực.

- Kết bài: Nêu nhận định, đánh giá chung của mình về tác phẩm truyện hoặc đoạn trích.

* Dàn bài chung cho bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ.

- Mở bài: Giới thiệu đoạn thơ, bài thơ và b­ước đầu nêu nhận xét, đánh giá của mình. (Nếu phân tích một đoạn thơ n nêu rõ vị trí của đoạn thơ ấy trong tác phẩm và khái quát nội dung cảm xúc của nó.)

- Thân bài: Lần l­ượt trình bày những suy nghĩ, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ.

- Kết bài: Khái quát giá trị, ý nghĩa của đoạn th­ơ, bài thơ.

Ví dụ: Lập dàn bài một đề cụ thể:

Để bài: Chất thơ trong truyện “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long.

*. Mở bài:

- Giới thiệu những nét chính về Nguyền Thành Long và tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa (hoàn cảnh sáng tác và nội dung câu chuyện).

- Giới thiệu luận điểm chính: Lặng lẽ Sa Pa là truyện ngắn giàu chất thơ.

*. Thân bài:

1. Giải thích thế nào là chất thơ trong truyện ngắn.

2. Phân tích, chứng minh chất thơ trong Lặng lẽ Sa Pa:

a. Chất thơ toát ra từ nhan đề tác phẩm.

b. Chất thơ trong tình huống truyện.

c. Chất thơ hiển hiện từ vẻ đẹp phong phú của thiên nhiên Sa Pa.

d. Chất thơ toát ra từ vẻ đẹp tâm hồn các nhân vật trong truyện:

- Các nhân vật sống ở Sa Pa như anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh cao Yên Sơn; ông kĩ sư ở vườn rau; anh cán bộ nghiên cứu sét.

- Các nhân vật chỉ đi qua Sa Pa như ông họa sĩ, cô kỹ sư trẻ...

e. Chất thơ thể hiện qua nghệ thuật ngôn từ.

*. Kết bài:

- Ý nghĩa của chất thơ đối với chủ đề tác phẩm: ca ngợi thiên nhiên và vẻ đẹp tâm hồn người lao động thể hiện trong công cuộc xây dựng đất nước.

- Ý nghĩa của chất thơ đối với phong cách văn chương Nguyễn Thành Long.

Bên trên là một dàn bài tiêu biểu cho một bài văn nghị luận về tác phẩm văn học, học sinh có thể dựa vào dàn bài đó để viết thành một bài văn cụ thể.

Bước 3: Viết thành bài văn hoàn chỉnh.

* Yêu cầu:

- Viết theo dàn bài đã lập.

- Chú ý chọn giọng văn và ngôn từ phù hợp kiểu bài và nội dung trình bày.

+ Giọng văn và sự thay đổi giọng văn trong bài viết:

Để tránh nhàm chán, “buồn ngủ”, để bài viết thêm sinh động, phong phú,            người viết cần phải rất linh hoạt trong việc hành văn. Tránh kiểu viết đều đều từ đầu chí cuối, tạo cảm giác đơn điệu. Muốn thế trước hết cần sử dụng linh hoạt từ ngữ xưng hô.

Ví dụ: Khi biểu thị ý kiến của riêng mình, người ta thường viết: tôi cho rằng, tôi nghĩ rằng, theo chỗ tôi được biết…Nhưng để lôi kéo sự đồng tình, đồng                     cảm, để vấn đề đang bàn bạc khách quan hơn, người viết thường xưng: chúng tôi, ta, chúng ta, như mọi người đều biết, như mọi người đã thấy, ai cũng thừa nhận rằng, không ai nghĩ được rằng…

Khi viết về nhân vật thì có thể dùng đại từ nhân xưng hay một cụm từ khác để gọi tránh sự lặp lại nhàm chán. Ví dụ nhân vật anh thanh niên (Lặng lẽ Sa Pa) thì có thể thay bằng người con trai ấy, chàng trai thèm người

Khi viết về tác giả nhiều học sinh từ đầu đến cuối bài văn chỉ dùng một từ “nhà văn” hoặc “tác giả” mà không biết thay đổi cách gọi. Viết về Nguyễn Thành Long ta có thể thay bằng các từ như: nhà văn, ông, tác giả, tác giả tập truyện Giữa trong xanh

Không phải chỉ ở cách xưng hô, giọng văn linh hoạt mà còn thể hiện ở cách dùng các tiểu từ như: vâng, đúng thế, không, điều ấy đã rõ, như vậy, như thế, chẳng lẽ…những từ này tạo ấn tượng như người viết đang tranh luận và đối thoại trực tiếp với người đọc.

VD: “Vâng xét ở một phương diện nào đó, có thể xem Nam Cao thuộc vào xu hướng văn học của những người đói”

                                                                   (Kiến thức ngày nay- số 71)

Trong quá trình viết bài văn nghị luận không nên chỉ dùng một loại thao tác tư duy mà luôn luôn thay đổi, khi thì dùng diễn dịch, khi thì dùng quy nạp, khi thì phân tích trước dẫn chứng sau, khi thì dùng dẫn chứng trước phân tích sau, khi thì liên hệ, khi thì so sánh…cũng là để bài viết sinh động, phong phú hơn.

+ Dùng từ độc đáo:

Viết văn nghị luận phải dùng được những từ hay, đoạn hay rồi mới có bài văn hay. Dùng từ hay là một trong những yếu tố quyết định để có cách diễn đạt hay. Bài văn hay là bài văn đó đọc lên từ cứ như “găm” vào tâm khảm người đọc, từ ngữ linh hoạt, dùng đúng lúc, đúng chỗ, lột tả được thần thái của sự vật, sự việc…làm cho người đọc khoái chá thấy mình không thể viết được như vậy, phải thốt lên lời cảm phục.

VD: “Chương XIII “Tắt đèn” không khác gì một cái lòng chảo đã nguội đi, đã váng đọng lại một thứ bùn lưu niên, trên đó oằn lên một số sinh vật. Sinh vật Nghị Quế chồng, sinh vật Nghị Quế vợ, mà lòng tham đã hết tính người. Sinh vật lí trưởng và lũ sai nha đốc thuế người, đã tan hoang đi cái tâm người. Và trên cái sa mạc nhân tâm đó không còn tia nước nguồn thương nào cả…”

                                               (Nguyễn Tuân – Tắt đèn của Ngô Tất Tố)

“Khúc bạc mệnh đã gẩy xong rồi, mà oán hận vẫn còn dài mãi nên Nguyễn Du mới tự xưng cái tên thân mật của mình và đau đáu hỏi:

Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”

(Xuân Diệu – Nguyễn Du - Văn nghệ số 18)

+ Viết câu linh hoạt:

  Tuỳ từng lúc, từng chỗ, tuỳ vào giọng văn của từng đoạn mà có những loại câu tương ứng để diễn đạt cho phù hợp. Một đoạn văn có câu ngắn, câu dài khác nhau.

VD: “Trời đất ơi! Tú Bà nói không đầy nửa phút mà nước bọt mép của mụ văng ra mãi tới ngàn năm…”

                                                                     (Xuân Diệu - Văn nghệ số 18)

Khi muốn gây chú ý cho người đọc, ta có thể dùng câu nghi vấn. Câu nghi vấn ở đây như là đặt ra vấn đề, rồi sau đó lại tự trả lời, tự làm sáng tỏ.

VD: “Thương thì đã vậy, còn oán? Thực ra Nguyễn Du không biết oán ai,…bởi vì theo ông thì bao nhiêu đau thương khác đâu có phải đều do những kẻ bài binh bố trận, mà ngay cả những kẻ ấy, Nguyễn Du cũng thấy họ đáng thương”

                                                                                               (Hoài Thanh)

Một loại câu cũng được vận dụng làm thay đổi giọng văn trong bài văn nghị luận là loại câu có hai mệnh đề hô - ứng. Chúng thường theo lối kết cấu: tuy…nhưng…; càng…càng…; không những… mà còn…; vì thế…cho nên…Loại câu này nhằm nhấn mạnh một ý nào đó nằm ở vế thứ hai.

Ví dụ: “Bài thơ không chỉ hay về nghệ thuật mà còn rất sắc sảo về nội dung tư tưởng”.

*Hướng dẫn HS viết đoạn và liên kết đoạn:

Bên cạnh yêu cầu về kiến thức, một bài văn muốn đạt điểm cao còn phải chú ý vấn đề k năng.

Trước hết, phải chú ý đến bố cục bài văn. Một bài văn được đánh giá cao bao giờ cũng phải có một bố cục chặt chẽ, hợp lý, cân đối hài hòa. Một điều hết sức cần tránh là viết tùy hứng, vừa viết vừa nghĩ, nhớ đâu viết đấy, khi đó bài văn sẽ rơi vào tình trạng lộn xộn và trùng lặp.

K năng diễn đạt (hành văn) cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Nếu đánh giá một bài toán chủ yếu người ta dựa trên tiêu chí đúng - sai thì khi đánh giá một bài văn, ngoài tiêu chí đúng - sai còn có tiêu chí hay - dở. Muốn diễn đạt hay, phải chú ý từ cách dùng từ, viết câu, đến cách dựng đoạn, liên kết...Diễn đạt hay trước hết phải đúng, sau đó cần có sự sáng tạo, nhuần nhuyễn, truyền cảm. Để có diễn đạt hay, trước hết phụ thuộc vào năng khiếu, nhưng cơ bản vẫn là thực hành nhiều, chịu khó luyện tập nhiều.

 Cuối cùng là k năng trình bày, tức là vấn đề hình thức. Một bài văn trình bày tốt là bài văn có chữ viết sạch đẹp (nếu không viết được đẹp thì phải viết cẩn thận), tuân thủ đúng những quy cách trình bày như: lùi đầu dòng, viết hoa, chính tả, cách sử dụng ngoặc đơn, ngoặc kép, cách đưa dẫn chứng...

        1. Cách viết mở bài:

Khi viết Mở bài thực chất là trả lời câu hỏi: Bạn định viết, định bàn bạc vấn đề gì? Nó phải đủ sức lôi kéo người đọc tò mò khám phá những gì tiếp theo. Vì thế, phần Mở bài không chỉ được diễn đạt một cách rõ ràng, súc tích mà còn có khả năng mở ra những suy đoán cho người đọc.

a. Nguyên tắc mở bài:

      Trước khi muốn viết hay phải đúng yêu cầu của đề ra. Khi viết mở bài, cần đảm bảo được một số yếu tố như dẫn dắt, giới thiệu tác giả, tác phẩm (nếu cần), nêu luận đề (nếu là nhận định/ ý kiến phải trích nguyên văn)....

Có thể nói một mở bài hay phải: Ngắn gọn (Dẫn dắt thường vài ba câu, nêu vấn đề một vài câu và giới hạn vấn đề một câu), đầy đủ (đủ 3 vấn đề), độc đáo (gây được sự chú ý của người đọc), tự nhiên (Giản dị, tự nhiên, tránh vụng về gượng ép tránh gây cho người đọc khó chịu bởi sự giả tạo).

   b. Cách mở bài: Để viết mở bài không chỉ phải biết rõ vấn đề người viết muốn nói là gì (cốt ý của thân bài) mà cần biết rõ (với bản thân) với vấn đề ấy thì nên mở bài trực tiếp hay gián tiếp.

Có rất nhiều cách mở bài. Tuỳ dụng ý của người làm mà có thể vận dụng một trong những cách sau đây:

- Mở bài trực tiếp: là nêu thẳng vấn đề sẽ trình bày ở thân bài.

- Mở bài gián tiếp: là dùng một nội dung khác, nói một chuyện khác để làm bật lên tầm quan trọng của chủ đề chính. Tức là dẫn ra một ý khác có liên quan gần gũi, sau đó, nêu vấn đề sẽ bàn trong bài. Để bài viết có không khí tự nhiên và có chất văn, người ta thường mở bài theo kiểu gián tiếp. Có nhiều cách mở bài gián tiếp nhưng tựu trung có 4 cách cơ bản: từ khái quát đến cụ thể, so sánh đối chiếu, tương đồng, tương phản.….

 Dù mở bài theo lối giáp tiếp hay trực tiếp thì trong cả hai cách mở bài đều có những yếu tố lặp lại với mục đích giới thiệu ngắn về tác giả và nêu luận đề.

Sau khi đã hướng dẫn cụ thể cho HS các cách mở bài trên, GV tiến hành cho HS rèn viết đoạn mở bài và tin chắc rằng HS sẽ viết tốt.

Dưới đây là ví dụ mở bài cho đề: Chất thơ trong truyện “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long.

Nguyễn Thành Long là cây bút chuyên viết về truyện ngắn và kí. Những truyện ngắn của ông không gân guốc, gai gốc mà thường pha chất kí, mang vẻ đẹp trong trẻo, thơ mộng, giàu chất trữ tình. “Lặng lẽ Sa Pa” là kết quả của chuyến đi lên Lào Cai trong mùa hè năm 1970. Truyện rút từ tập “Giữa trong xanh” in năm 1972 của Nguyễn Thành Long. Đây là truyện ngắn tiêu biểu cho đề tài viết về cuộc sống mới hòa bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tác phẩm có cốt truyện khá đơn giản, chỉ tập trung vào cuộc gặp gỡ tình cờ giữa ông họa sĩ, cô kĩ sư trẻ và anh thanh niên - nhân vật chính của tác phẩm, sống trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m, giữa khung cảnh thiên nhiên Sa Pa đẹp như một bức tranh. Chất thơ bàng bạc toát lên từ khung cảnh nên thơ ấy.

Bước kế tiếp, GV sẽ hướng dẫn HS viết phần thân bài (gồm nhiều đoạn, GV có thể chọn cho HS viết một đoạn tiêu biểu)

2. Cách viết phần thân bài:

* Kĩ năng viết phần thân bài: Khi viết thân bài cần l­ưu ý:

- Phải có kiến thức và kĩ năng vì đây là phần quan trọng của một bài văn.

- Phải triển khai thân bài bằng các đoạn văn nhỏ hoàn chỉnh cả về nội dung và hình thức.

- Cần phải thể hiện những đánh giá, nhận xét, cảm nhận về cả hình ảnh, chi tiết, nghệ thuật của ngư­ời viết.

- Phải có sự sắp xếp các ý theo trình tự hợp lí, tránh sự lặp lại không cần thiết mà làm cho bài viết thiếu lôgíc và thêm rối.

       Vì vậy, trước hết, GV nên xác định vai trò của phần thân bài cho HS nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của nó trong một bài văn. Phần thân bài sẽ lần lượt trình bày, giải thích, nhận xét, đánh giá … các luận điểm của vấn đề được đặt ra trong đề bài (thực hiện vừa đủ, không thiếu, không thừa các nhiệm vụ đã đề ra ở phần mở bài).

       Ở từng luận điểm, cần có sự phân tích, chứng minh cụ thể, chính xác bằng những dẫn chứng sinh động trong tác phẩm.

       Giữa các luận điểm, đoạn văn cần có sự liên kết, chuyển tiếp một cách linh hoạt, uyển chuyển, tránh gò bó, máy móc, công thức.

Sau khi đã có ý (luận điểm, luận cứ) rồi thì vấn đề quan trọng hơn cả là biết diễn đạt hay. Tức là biết diễn đạt một cách khéo léo những ý của người viết thành một bài văn cụ thể.

Dưới đây là một đoạn thân bài trình bày luận điểm: Chất thơ toát ra từ nhan đề tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long mà GV có thể giới thiệu cho HS tham khảo.

Lặng lẽ Sa Pa khi mới đọc cái tên ta có cảm giác Nguyễn Thành Long đang viết về một nơi yên ắng, lạnh giá, hiu hắt hoặc nghĩ về một vùng đất chỉ để nghỉ ngơi, tham quan du lịch nhiều hơn. Nhưng điều kì diệu và bất ngờ là trong cái lặng lẽ của Sa Pa vẫn vang lên những nhịp sống sôi động, trong sáng của tuổi trẻ, vẫn lung linh những sắc màu và lan tỏa ấm áp lòng người. Nơi ấy đang bừng dậy sức sống của những con người, những tấm lòng đang sống, làm việc âm thầm lặng lẽ, cống hiến cho quê hương đất nước. Đó là những con người sống đẹp, có ích cho đời, có lí tưởng ước mơ, niềm tin yêu vững bền vào sự nghiệp, kiến thức, trình độ, khoa học mà nhân vật anh thanh niên là hiện thân của vẻ đẹp đó.

       Bên trên chỉ là một đoạn tiêu biểu của phần thân bài, GV có thể hướng dẫn HS viết các đoạn khác nhau của đề. Dù là đoạn văn nào thì GV cũng phải phân tích cho HS thấy rõ các cách trình bày nội dung một đoạn văn.

3. Cách viết đoạn kết bài:

       Đoạn kết bài phải thể hiện đúng quan điểm đã trình bày ở phần thân bài. Chỉ nêu những ý nhận xét, đánh giá khái quát, không trình bày lan man hay lặp lại ý diễn giải, minh hoạ, cụ thể, chi tiết. Cũng không nên lặp lại nguyên văn lời lẽ của phần mở bài. Khác với mở bài, phần kết bài thiên về đánh giá, tổng kết vấn đề.

      Thông thường có bốn cách viết kết bài hay.

- Cách 1: Tóm tắt lại nội dung đã nêu ở thân bài.

- Cách 2: Mở rộng thêm vấn đề đ­ược đặt ra trong đề bài.

- Cách 3: Vận dụng điều đã nêu ở đề bài vào cuộc sống.

- Cách 4: Liên t­ưởng hoặc rút ra bài học.

  Thế nên, để hướng dẫn HS viết được những kết bài sâu sắc, người GV cần phải giúp HS nhận thức được tầm quan trọng của đoạn kết bài (không chỉ khép lại, hoàn chỉnh bài văn mà còn làm cho bài văn thêm khái quát, nâng cao về mọi mặt: tư tưởng, tình cảm, chủ đề, quan niệm sống tốt đẹp …)

       Dưới đây là cách kết bài cho đề bài văn: Chất thơ trong truyện “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long.

 “Lặng lẽ Sa Pa” quả là một truyện ngắn đầy chất thơ của Nguyễn Thành Long. Nó ngân nga, nhẹ nhàng, thơ mộng dưới ngòi bút sắc sảo, tinh tế của tác giả tạo nên những bức tranh lung linh, kì ảo, đằm thắm, ấm áp. “Sa Pa lặng lẽ” nhưng đã để lại nhiều dư vang. Sa Pa lặng lẽ mà không cô quạnh, đìu hiu. Bởi nơi đây vẫn còn có rất nhiều những con người ngày đêm âm thầm lặng lẽ dâng hiến tuổi trẻ, trí tuệ và niềm say mê lao động của mình cho đất nước, cho cuộc đời. Hãy làm những việc bình thường bằng một niềm tin phi thường bạn nhé! Chính tình yêu cuộc sống, sự say mê lao động sẽ đem đến cho bạn những giây phút thăng hoa. Chính niềm say mê sáng tạo mà Nguyễn Thành Long đã mang đến cho ta một áng văn thấm đẫm chất trữ tình.

Bước 4: Đọc lại bài viết và sửa chữa.

Đọc lại các phần Mở bài, Thân bài, Kết bài xem có phù hợp với vấn đề nghị luận, với dàn bài không, giữa các phần có sự liên kết hợp lí chưa. Sửa chữa bài viết cho hoàn chỉnh.

       Có thể nói, hướng dẫn HS cách làm bài văn Nghị luận về tác phẩm văn học tức là đi tìm và khám phá ra cái hay, cái đẹp trong nghệ thuật văn chương. Từ khâu phân tích đề, tìm ý, lập dàn ý, viết đoạn và liên kết đoạn là cả một quá trình lao động nghệ thuật sáng tạo. Giúp các em hiểu ra chân lí ấy sẽ là con đường ngắn nhất hướng các em yêu thích văn chương và có hứng thú khi làm bài Tập làm văn kiểu bài Nghị luận về tác phẩm văn học.

       Vì vậy, đây là công việc khó khăn và cũng là niềm say mê, hạnh phúc lớn đối với giáo viên dạy văn. Nó đòi hỏi người thầy không chỉ có tầm mà còn có tâm. Và chính sự tâm huyết với nghề mới hy vọng đem lại những thành quả như mong muốn… Để đạt được một số thành công trong việc hướng dẫn học sinh cách viết bài văn nghị luận tác phầm văn học mỗi giáo viên lựa chọn những phương pháp phù hợp với đối tượng học sinh cũng như đặc trưng bộ môn và vận dụng linh hoạt theo cách riêng của mình.

Trên đây là một số phương pháp hướng dẫn học sinh cách làm bài nghị luận về tác phẩm văn học mà tôi đã áp dụng trong giảng dạy. Tôi đã giúp HS của các lớp do chính tôi trực tiếp giảng dạy có kĩ năng viết bài nghị luận; từ việc phân tích đề, tìm ý, lập dàn ý, viết đoạn và liên kết đoạn đạt được kết quả tốt trong tiết kiểm tra viết bài Tập làm văn (2 tiết), kiểm tra học kì II, kì thi học sinh giỏi các cấp luôn đảm bảo chỉ tiêu.

Đa số bài làm của các em đều đáp ứng được yêu cầu của đề; khai thác được ý hay, ý sâu sắc; phân tích tinh tế, có cảm xúc, biết tìm tòi và sáng tạo mang phong cách riêng, không còn gượng ép, máy móc hay khuôn sáo.

Rất ít bài làm sơ lược, ý nghèo nàn hoặc không tìm được ý.

Theo dõi tỷ lệ HS viết bài văn Nghị luận về tác phẩm văn học khi làm bài kiểm tra viết bài Tập làm văn (2 tiết), kiểm tra học kì II, kì thi học sinh giỏi các cấp trong hai năm (2016-2017; 2017-2018) sau khi thực hiện các biện pháp trong SKKN có sự tiến bộ rõ rệt:

Năm học 2015-2016: Tỷ lệ học sinh viết hay và biết viết bài văn nghị luận về tác phẩm văn học chưa nhiều để có thể đưa chất lượng mũi nhọn của nhà trường vươn lên vị trí một con số trong bảng xếp hạng thi đua giữa các trường trong toàn huyện và chất lượng đại trà của trường cũng chỉ ở mức đạt chỉ tiêu.

Chất lượng học sinh giỏi: Có 1 HS đạt giải KK cấp huyện, không có giải tỉnh.

Chất lượng đại trà: Trong kì thi học kì II vẫn có những học sinh đạt điểm giỏi tuy nhiên vẫn còn học sinh bị điểm kém môn Văn. Vì vậy, điểm trung bình môn chỉ đạt >= 85%, vẫn có học sinh thi lại.

Kết quả cuối năm: 2016-2017 và 2017- 2018:

 

NĂM HỌC

CHẤT LƯỢNG HỌC SINH GIỎI

 

CHẤT LƯỢNG ĐẠI TRÀ

2016-2017

Có 1 HS đạt giải 2 cấp huyện, 1 giải KK cấp tỉnh đã góp phần đưa vị trí xếp hạng của trường lên cao hơn so với năm trước.

95%

2017-2018

Có 1 HS đạt giải 2 cấp huyện, 1 HS trên điểm trung bình cấp tỉnh đã góp phần duy trì vị trí xếp hạng của trường.

97%

     

Kết quả này cho thấy, số học sinh viết bài đạt điểm cao, xuất sắc để trở thành học sinh giỏi bộ môn Ngữ văn vẫn chưa nhiều nhưng cũng đã góp phần nâng cao chất lượng mũi nhọn cũng như duy trì được chất lượng học sinh đại trà hàng năm. Điều này đã phản ánh được tác dụng của những phương pháp, kĩ năng hướng dẫn nói trên.   

 

3. PHẦN KẾT LUẬN.

 

3.1. Ý nghĩa của việc hướng dẫn học sinh cách viết bài nghị luận về tác phẩm văn học.

Dạy văn nói chung, dạy phân môn Tập làm văn kiểu bài Nghị luận về tác phẩm văn học nói riêng ở khối lớp 9 trường Trung học cơ sở là dạy cho các em học sinh lứa tuổi 14, 15 - lứa tuổi hồn nhiên, trong sáng, năng động nhạy cảm, giàu cảm xúc và trí tưởng tượng, sự cảm thụ tiếp nhận nghệ thuật bắt đầu hình thành, biết tìm tòi, khám phá ra thế giới nghệ thuật của văn chương. Tác phẩm văn học là thành quả sáng tạo của nhà văn, nhà thơ. Mỗi tác phẩm văn thơ mang dấu ấn của một thời kì văn học nhất định (có thể cách xa thời đại mà các em sống hiện nay cả hàng thế kỉ, hàng thập niên …) dù nhỏ (một câu tục ngữ, một bài ca dao) hay lớn (một bài văn, một bài thơ, một truyện ngắn hay một bộ tiểu thuyết) đều có giá trị về nội dung và nghệ thuật. Làm thế nào để người giáo viên giúp học sinh biết cách trình bày để thể hiện sự đồng cảm với những giá trị tư tưởng nhân văn trong mỗi tác phẩm?

Lep-tôn-xtôi nói: “Vấn đề không phải biết là quả đất tròn mà là làm thế nào để biết được quả đất tròn?”. Chân lí là quý báu! Nhưng cách tìm ra chân lí còn quý hơn nhiều. Vì vậy, hướng dẫn học sinh cách làm bài Tập làm văn kiểu bài Nghị luận về tác phẩm văn học là làm sao hình thành cho học sinh kĩ năng, phương pháp để tìm ra cái hay, cái đẹp trong các tác phẩm đó là một việc làm thiết thực, đầy ý nghĩa trong các nhà trường THCS; ngoài ra còn là việc làm thiết thực góp phần nâng cao ý thức và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên.

3.2. Kiến nghị, đề xuất.

       Qua việc nghiên cứu sáng kiến này cho phép tôi có một vài đề nghị sau:

      - Đối với giáo viên:

Giáo sư Lê Trí Viễn cũng có lời nhắn nhủ: “Dạy văn lấy cảm làm đầu”. Người giáo viên dạy học sinh phương pháp làm bài văn Nghị luận về tác phẩm văn học không thể nghèo nàn cảm xúc. Bởi những trang truyện hay, những số phận của các nhân vật trong truyện đều có cuộc đời riêng, có tư tưởng, tình cảm, nội tâm ….phong phú và đa dạng. Cho nên trong hướng dẫn gợi ý học sinh trình bày những cảm nhận, đánh giá về nhân vật, sự kiện, chủ đề….trong tác phẩm truyện phải xuất phát từ những rung cảm chân thật, thẩm mĩ. Đồng thời biết kết hợp linh hoạt nhiều phép lập luận (giải thích, chứng minh, phân tích,…). Trong khi hướng dẫn học sinh cách làm bài và luyện tập, giáo viên cần chú ý phát huy, động viên tính tích cực, sáng tạo của từng học sinh chứ không gò ép theo những khuôn mẫu. Người giáo viên phải biết khơi gợi những cảm xúc của học sinh, kích thích và nuôi dưỡng, phát triển ở học sinh những nhu cầu đồng cảm và khát vọng nhận thức cái mới qua hình tượng nhân vật, ngôn ngữ đối thoại, độc thoại,… Vì vậy, nếu ai đó tự cho rằng mình đã gợi đầy đủ các ý tưởng của tác phẩm qua từng trang truyện thì chưa hẳn là một giáo viên dạy tốt mà phải nắm chắc phương pháp hướng dẫn HS cách làm bài văn Nghị luận về tác phẩm văn học.

      - Đối với học sinh:

Bài văn đạt điểm cao có rất nhiều yêu cầu, đòi hỏi người viết không những phải có kiến thức vững vàng, sâu sắc mà còn phải có k năng làm bài. Muốn có hai điều đó cần phải có quyết tâm lớn và nhất là lòng say mê, không chỉ say mê học tập mà còn có tình yêu với môn văn.   

Muốn diễn đạt hấp dẫn, linh hoạt không gì bằng chăm đọc sách văn học và suy nghĩ. Khi viết nên sử dụng nhiều kiểu câu, dùng từ ngữ có giá trị biểu cảm và diễn đạt theo ý nhiều cách như so sánh, bày tỏ cảm xúc, hình dung... Đừng quên làm nhiều sẽ thuần thục nên các em hãy hết sức cố gắng.

Trên đây là sáng kiến kinh nghiệm của tôi về việc “Hướng dẫn học sinh cách viết bài nghị luận về tác phẩm văn học” được thực hiện tại trường THCS. Vì điều kiện thời gian nghiên cứu có hạn nên sáng kiến của tôi chắc chắn sẽ còn nhiều thiếu sót. Do vậy tôi rất mong nhận được sự góp ý của các đồng nghiệp và cán bộ phụ trách chuyên môn. Tôi xin chân thành cảm ơn!

 

TÀI LIỆU KHAM KHẢO.

 

1. Phương pháp làm bài Nghị luận tác phẩm Văn học 9 của Hoàng Đức (NXB GD Thành phố Hồ Chí Minh)

2. Hiểu Văn, dạy Văn của Nguyễn Thanh Hùng (NXB GD Thành phố Hồ Chí Minh)                                                

3. Đọc Văn, học Văn của Trần Đình Sử (NXB GD 2002).

4. Để hiểu thêm một số tác giả và tác phẩm Văn học Việt Nam hiện đại của Nguyễn Ngọc Thu (NXB GD).

5. Sách Ngữ văn 9 hiện hành (SGK & SGV).

6. Tài liệu tham khảo soạn kĩ năng làm văn nghị luận của Vụ GD – TH.

7. Tiếp cận và đánh giá tác phẩm truyện sau Cách mạng tháng Tám của                                                                       Nguyễn Văn Long (NXB GD).

8. Tạp chí Văn học tuổi trẻ.

Previous Post Next Post

QC

QC