Skkn Chỉ đạo phong trào thi giáo viên dạy giỏi đạt hiệu quả trường tiểu học

 

1. Là tác giả đề nghị xét công nhận sáng kiến:Chỉ đạo phong trào thi giáo viên dạy giỏi đạt hiệu quả”

2. Chủ đầu tư tạo ra sáng kiến: Tác giả đồng thời là chủ đầu tư tạo ra sáng kiến.

3. Lĩnh vực áp dụng sáng kiến: Quản lý giáo dục

4. Ngày sáng kiến được áp dụng lần đầu: 10/9/2020

5. Mô tả bản chất của sáng kiến:

5.1. Tính mới của sáng kiến:

Muốn có trò giỏi thì phải có thầy giỏi. Thế nhưng trong thực tế, không hẳn thầy cô nào khi đi dạy cũng đã là người thầy giỏi? Bởi lẽ do yêu cầu cấp bách của từng giai đoạn lịch sử, đặc thù của từng địa phương mà việc tuyển chọn đội ngũ giáo viên trong những năm trước đây bằng rất nhiều hình thức, nhất là đối với bậc học Tiểu học và Mầm non. Chính vì thế chất lượng đội ngũ giáo viên nhìn chung không đồng đều. An Lộc A là một trường ngay khu vực trung tâm thị xã Bình Long, điều kiện khá thuận lợi, nhưng đội ngũ giáo viên ở đây cũng không tránh khỏi thực tế trên. Họ được đào tạo bằng nhiều hình thức khác nhau như: 9 + 3, 12 +2, CĐSP liên thông, ĐHSP từ xa, ĐHSP tại chức,… Vì vậy, để xây dựng được một đội ngũ giáo viên dạy giỏi đáp ứng với yêu cầu giảng dạy. Đồng thời tuyển chọn được các giáo viên nòng cốt, tham gia thi giáo viên dạy giỏi các cấp đạt kết quả là công việc quan trọng và không phải dễ làm đối với các nhà quản lý giáo dục. Hàng năm, hội thi giáo viên dạy giỏi còn là một trong những tiêu chí quan trọng để xét thành tích và thi đua của mỗi thầy cô giáo cũng như tập thể đơn vị. Để đạt được kết quả, bên cạnh sự nỗ lực vươn lên của đội ngũ thầy cô giáo thì vai trò chỉ đạo, quản lý của nhà trường đối với công tác này là vô cùng cần thiết. Với vai trò là một Phó Hiệu trưởng phụ trách công tác chuyên môn của nhà trường, tôi luôn trăn trở, suy nghĩ và tìm mọi biện pháp để bồi dưỡng và nâng dần về số lượng cũng như chất lượng đội ngũ giáo viên dạy giỏi ở đơn vị mình. Đó cũng là lý do tôi chọn nghiên cứu đề tài: “Chỉ đạo phong trào thi giáo viên dạy giỏi đạt hiệu quả”

5.2. Nội dung sáng kiến:

Để thúc đẩy phong trào thi giáo viên dạy giỏi ở trường đạt kết quả, tôi đã thực hiện các giải pháp như sau:

5.2.1. Định hướng trong việc phân công chuyên môn, tạo điều kiện thuận lợi cho những giáo viên có khả năng tham gia thi giáo viên dạy giỏi phát huy khả năng của mình.

Khi sắp xếp phân công chuyên môn đầu năm học, tôi đặc biệt chú ý và quan tâm đến những giáo viên là nòng cốt tham gia và phấn đấu trở thành giáo viên dạy giỏi các cấp. Vì vậy, việc bố trí lớp dạy, môn dạy phải phù hợp với khả năng và sở trường của từng người, tránh việc xáo trộn giữa các khối lớp nhiều sẽ gây khó khăn cho giáo viên dự thi. Thực tế thì giáo viên tiểu học đều được đào tạo và dạy được tất cả các môn, các khối lớp (trừ môn tự chọn là Tiếng Anh, Tin học). Thế nhưng, để tạo điều kiện cho giáo viên có nhiều thời gian chuyên sâu vào một khối lớp thì khi phân công chuyên môn cần hạn chế việc thay đổi. Thông thường thì những giáo viên tham gia thi giáo viên dạy giỏi, tôi tìm hiểu kỹ nguyện vọng của giáo viên đăng ký, cố gắng sắp xếp ưu tiên để họ chọn lớp thuận lợi hơn, có điều kiện để đầu tư cho công tác chuyên môn sâu hơn. Những giáo viên đăng ký và có khả năng tham gia thi giáo viên dạy giỏi đạt kết quả, cũng được bố trí giữ chức vụ khối trưởng, khối phó. Đó cũng là một sự động viên, khích lệ ban đầu để giáo viên cố gắng vươn lên trong công tác giảng dạy, có kế hoạch phấn đấu để tham gia thi giáo viên dạy giỏi các cấp đạt kết quả. Đồng thời những giáo viên này là nhân tố quan trọng, là nòng cốt để tư vấn, giúp đỡ và nhân rộng thêm các giáo viên khác trong khối.

5.2.2. Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giáo viên dạy giỏi.

Công tác bồi dưỡng giáo viên dạy giỏi là một công việc được tiến hành liên tục và lâu dài. Song, trong phạm vi của sáng kiến này, tôi chỉ đề cập đến công tác chỉ đạo bồi dưỡng của nhà trường trong thời gian một năm.

Một giáo viên muốn trở thành một giáo viên dạy giỏi phải hội tụ rất nhiều yếu tố: Kiến thức, kỹ năng sư phạm, nghệ thuật sư phạm, khả năng vận dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy, xử lý các tình huống sư phạm… Ngoài ra, trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, đòi hỏi giáo viên còn phải biết sử dụng thành thạo máy tính, máy chiếu trong soạn và dạy bằng giáo án điện tử. Chính vì điều này, để bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy giỏi tại đơn vị mình, tôi cũng đi sâu vào từng nội dung mà giáo viên mình còn hạn chế. Nắm bắt ưu điểm và hạn chế của từng giáo viên để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cho phù hợp. Đối với những giáo viên còn hạn chế về kiến thức thì không còn cách nào khác là động viên giáo viên phải tích cực tự học, nâng cao trình độ chuyên môn. Hiện nay trường tôi còn 9 giáo viên trình độ Trung cấp và Cao đẳng đang theo học lớp Đại học sư phạm và sắp sửa tốt nghiệp. Ban giám hiệu là người hỗ trợ giáo viên tìm tòi và sưu tầm các tài liệu để giáo viên có thời gian dành cho công tác tự học. Giáo viên nào còn hạn chế về kỹ năng sư phạm thì tôi đi sâu vào công tác dự giờ để tư vấn, giúp đỡ những hạn chế hay mắc phải. Nhược điểm lớn nhất hiện nay mà tôi thấy qua công tác dự giờ và chấm thi giáo viên dạy giỏi, hầu hết giáo viên khi dạy còn làm việc nhiều, tôi thường gọi vui là “bệnh nghề nghiệp”. Mặc dù giáo viên đã được tập huấn, đều biết và hiểu rõ: nói nhiều hay giảng giải nhiều là không phát huy được phương pháp tích cực, là thiên về phương pháp cũ. Song do áp lực về thời gian, do sợ học sinh không hiểu bài, do hay nói lặp lại…. nên nhiều giáo viên vẫn vi phạm. Vì vậy, khi góp ý, tư vấn cho giáo viên tôi thường chỉ rõ: Với dạng bài này, nội dung này thì phải lựa chọn cách giảng nào là phù hợp, tránh nói đi nói lại nhiều lần sẽ mất nhiều thời gian, lại hạn chế về phương pháp tích cực. Bên cạnh việc giáo viên phải xây dựng kế hoạch tự bồi dưỡng chuyên môn, kiến thức cho mình thì với vai trò là Phó Hiệu trưởng chỉ đạo công tác chuyên môn, tôi phải có nhiệm vụ triển khai đầy đủ và kịp thời những văn bản chỉ đạo về công tác chuyên môn, những qui định, đổi mới của ngành, của địa phương… Điều đó không chỉ giúp giáo viên nắm vững và thực hiện đúng qui chế chuyên môn, mà còn trang bị các nội dung quan trọng của phần thi giáo viên dạy giỏi. Trong năm học, tập trung triển khai lại các chuyên đề khó, bàn bạc tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong thực tế giảng dạy. Đặc biệt trong năm học này, tôi quan tâm đến chương trình bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhắc nhở và hỗ trợ giáo viên tích cực, nghiêm túc trong học tập để giáo viên nắm vững chương trình tổng thể cũng như khối lớp mình giảng dạy. Làm tiền đề vững chắc cho chu kỳ tập huấn những năm học tiếp theo.

Trong quá trình đi dự giờ, góp ý tiết dạy, vấn đề không phải là tìm ra những tồn tại của giáo viên, mà quan trọng là người quản lý phải giúp đỡ, hỗ trợ cho giáo viên khắc phục tồn tại bằng cách nào? Dạy như thế nào cho có hiệu quả? Điều này đòi hỏi nhà quản lý như chúng tôi phải nghiên cứu kỹ bài dạy, nắm vững các phương pháp và đưa ra những nhận xét đúng đắn, hợp lý. Có như vậy mới giúp giáo viên tiến bộ thật sự và phấn đấu trở thành giáo viên dạy giỏi.

5.2.3. Tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường theo đúng qui định.

          Khi tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, tôi nghiên cứu và bám sát các văn bản chỉ đạo về hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp. Từ năm học này, thi giáo viên dạy giỏi được thực hiện theo Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT Ban hành Quy định về Hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non; giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cơ sở giáo dục phổ thông. Tôi tham mưu với Hiệu trưởng tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường đúng theo qui định. Từ việc chấm phần trình bày biện pháp của giáo viên đến bốc thăm và dự thi tiết dạy thực hành. Tất cả đều phải làm đầy đủ các bước, các khâu đúng theo qui trình và thật sự nghiêm túc, khách quan. Đây chính là một bước tập dợt rất quan trọng để giáo viên có sự chuẩn bị sẵn sàng về tâm lý khi tham gia thi các cấp cao hơn. Để tổ chức được một hội thi cấp trường đúng qui định và đạt hiệu quả, bản thân người quản lý cũng phải suy nghĩ sắp xếp từng khâu cho hợp lý, khoa học. Đặc biệt là phải nghiên cứu kỹ các văn bản, nắm vững qui định và các bước thực hiện. Vì vậy, đối với những giáo viên đã được sàng lọc và đạt kết quả ở cấp trường rất tự tin khi tham gia thi cấp thị xã, cấp tỉnh. Họ đã được làm quen với cách tổ chức và đã được trải nghiệm thi ở cấp trường nên khá thoải mái, bình tĩnh tham gia thi ở cấp cao hơn.

 

Hình ảnh trong Hội thi: Giáo viên dạy giỏi cấp trường – Năm học 2020-2021

 

 

 

 

5.2.4. Hỗ trợ cho giáo viên tham gia thi giáo viên dạy giỏi cấp thị xã, cấp tỉnh đạt kết quả.

          Qua kết quả thi cấp trường, nhà trường chọn lọc, cân nhắc giáo viên có đủ điều kiện tham gia thi giáo viên giỏi các cấp, tiếp tục có kế hoạch bồi dưỡng và hỗ trợ giáo viên để tham gia thi cấp cao hơn đạt kết quả.

Thực tế, qua nhiều năm làm công tác chỉ đạo chuyên môn, hỗ trợ giáo viên tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp, tôi nhận thấy: Trước đây giáo viên thường lo lắng nhất là phần thi “Bài kiểm tra năng lực”. Đến khi áp dụng  theo Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT Ban hành Quy định về Hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non; giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cơ sở giáo dục phổ thông hiện nay. Trong 2 phần thi ở hội thi cấp trường: Trình bày biện pháp và thi 1 tiết dạy, giáo viên đa phần đều tỏ ra lúng túng và không tự tin phần: “Trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em của cá nhân tại cơ sở giáo dục, nơi giáo viên đang làm việc”. Đây là một nội dung đòi hỏi giáo viên phải cập nhật kinh nghiệm thực tế đã làm, sau đó sắp xếp lại thành một bài nói hoàn chỉnh và lên trình bày trước Ban giám khảo. Có giáo viên trên thực tế giảng dạy làm rất tốt phần này, nhưng khi trình bày trước hội thi thì lại không biết bắt đầu từ đâu? Nói như thế nào? Vì đây là qui định mới, mẫu qui định về cách trình bày thì không có văn bản nào qui định cụ thể, cả Ban giám hiệu và giáo viên đều cảm thấy mới mẻ và chưa có kinh nghiệm trong phần thi này. Vì vậy, để cho giáo viên bớt căng thẳng, ban giám hiệu phải là người hỗ trợ đồng hành cùng giáo viên dự thi. Chính bản thân tôi phải đi tìm tòi, tham khảo về cách trình bày phần biện pháp để tư vấn hỗ trợ giáo viên. Cụ thể, năm học này, tôi đã hướng dẫn giáo viên trình bày phần biện pháp như sau:

a.      Lý do chọn biện pháp

-         Vai trò của biện pháp đối với học sinh.

-         Thực tế tại đơn vị và rút ra ý nghĩa của vấn đề nghiên cứu.

b.     Nội dung các biện pháp

-         Trình bày các biện pháp cụ thể, chi tiết.

c.  Kết quả thực hiện các biện pháp

     - Kết quả thu được sau khi áp dụng biện pháp ( có số liệu so sánh trước khi áp dụng và sau khi áp dụng)

    d. Kết luận nội dung trình bày

   - Tóm tắt ý nghĩa của biện pháp

 

 Sau đây là một số hình ảnh minh họa trong phần dự thi:

“Trình bày biện pháp của giáo viên” trong Hội thi Giáo viên dạy giỏi

cấp trường – Năm học 2020-2021

 

 

(Biện pháp: Sử dụng hiệu quả bảng thông minh trong dạy Tiếng Anh Tiểu học

Người trình bày: Cô Đào Đan Thùy – Giáo viên Tiếng Anh)

 

 

(Biện pháp: Nâng cao chất lượng học tập môn Toán của học sinh lớp 2.2

Người trình bày: Cô: Lại Thị Kim Phượng – Giáo viên chủ nhiệm lớp 2.2)

 

(Biện pháp: Giúp học sinh viết đúng chính tả

Người trình bày Cô: Lê Thị Thủy – Giáo viên chủ nhiệm lớp 2.3)

 

Ngoài ra, tôi còn gửi kèm Video hướng dẫn cách trình bày biện pháp thi giáo viên giỏi mà tôi đã tham khảo trên Diễn đàn giáo viên Tiểu học (Website Kinh nghiệm dạy học.Net).  Có như thế, giáo viên có định hướng để viết và trình bày, và đó cũng là một sự động viên để giáo viên tự tin tham gia thi đạt kết quả. Khi giáo viên đã vượt qua được phần này, ban giám hiệu cũng là người đồng hành cùng giáo viên trong công tác soạn bài, định hướng phương pháp giảng dạy. Chuẩn bị mọi điều kiện về cơ sở vật chất tốt nhất để giáo viên có điểm tựa về mặt tinh thần cũng như vật chất để tiếp tục phần thi cuối cùng đạt hiệu quả mỹ mãn nhất.

          Ngoài ra, tôi còn tham mưu với nhà trường, với công đoàn có những phần thưởng về mặt tinh thần cũng như vật chất đối với những giáo viên đã tham gia thi và đạt giải từ cấp trường, động viên khích lệ giáo viên cố gắng tham gia thi tốt ở cấp cao hơn.

5.3. Khả năng áp dụng của sáng kiến:

Sáng kiến này áp dụng cho cấp Tiểu học trong công tác bồi dưỡng, hỗ trợ giáo viên tham gia thi giáo viên dạy giỏi các cấp đạt kết quả

6. Những thông tin cần được bảo mật: Không

7. Các điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến:

Để sáng kiến áp dụng được, ngoài sự chỉ đạo, hỗ trợ và tư vấn tích cực của chuyên môn, sự nỗ lực vươn lên của đội ngũ giáo viên, còn phải có sự đồng thuận của lãnh đạo nhà trường, của cán bộ thư viện trong việc chuẩn bị về đồ dùng dạy học, chuẩn bị cơ sở vật chất, máy chiếu,… để giáo viên có điều kiện sử dụng công nghệ thông tin và hoàn thành 2 phần thi đạt kết quả cao nhất.

 

8. Đánh giá lợi ích thu được do áp dụng sáng kiến:

a/ Kết quả

            Trước đây, nhiều giáo viên, nhất là những giáo viên lớn tuổi tự ti không dám đăng ký thi giáo viên dạy giỏi, kể cả cấp trường. Nhưng hiện nay hầu hết giáo viên trường tôi đều đã mạnh dạn đăng ký tham gia thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, kể cả một số giáo viên lớn tuổi sắp nghỉ hưu cũng tích cực đăng ký tham gia.

          - Sau khi áp dụng sáng kiến này, số lượng giáo viên đăng ký thi và đạt kết quả ngày càng tăng dần. Tạo nên một phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trong nhà trường.

Năm học 2020-2021: Có 35/37 giáo viên đăng ký tham gia thi giáo viên dạy giỏi cấp trường và đạt 35/35 (100%).

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid- 19 nên thi giáo viên dạy giỏi cấp thị xã theo kế hoạch chưa thực hiện. Nhưng tôi tin rằng, trong thời gian tới, nếu tổ chức thì giáo viên dạy giỏi cấp thị xã thì trường tôi chắc chắn sẽ đạt kết quả cao.

b/ Bài học

Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp là cơ hội để giáo viên rèn luyện về chuyên môn nghiệp vụ, lòng yêu nghề mến trẻ. Đồng thời rèn luyện tính kiên trì đối với công tác giáo dục. Để có được những biện pháp hay, thiết thực đòi hỏi giáo viên phải thật sự đầu tư trong công tác chủ nhiệm, có kỹ năng diễn đạt tốt trước đám đông, biện pháp rõ ràng, kết quả thuyết phục thì phần trình bày mới đạt yêu cầu. Tiết dạy muốn thành công, giáo viên phải tìm hiểu thêm rất nhiều thông tin có có liên quan đến bài dạy ngoài sách giáo khoa và sách giáo viên, chắt lọc lựa chọn và lồng ghép để bài dạy có hồn hơn, sâu sắc và phù hợp với đối tượng học sinh của lớp mình. Có những tiết dạy thử áp dụng phương pháp này chưa hiệu quả thì thầy cô lại phải lựa chọn phương pháp khác, thử đi thử lại nhiều lần mới có hiệu quả. Sau mỗi Hội thi nhà trường sẽ lựa chọn được các cá nhân tiêu biểu để tuyên truyền nhằm phát hiện, tuyên dương và nhân rộng những tấm gương điển hình tiên tiến, góp phần tạo động lực phát triển sự nghiệp giáo dục. Tất cả những điều trên muốn làm được ngoài sự nỗ lực cố gắng của giáo viên thì không thể thiếu vai trò đồng hành, chỉ đạo và hỗ trợ hết mình của Ban giám hiệu nhà trường, đặc biệt là vai trò của Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn. Nếu tất cả đều cố gắng, nhiệt tình thì tôi tin rằng phong trào thi giáo viên dạy giỏi sẽ thật sự lan tỏa, được giáo viên ủng hộ nhiệt tình và chất lượng giáo dục cũng được nâng lên đáng kể, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội hiện nay.

 Nguồn: ST


Nếu khi tải tài liệu bị lỗi, hãy liên hệ admin tại mục LIÊN HỆ-HỖ TRỢ trên website để được cập nhật/fix lỗi link tải mới.

Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/

Previous Post Next Post

QC

QC