Skkn Một số biện pháp giáo dục đạo đức cho học sinh lớp 2 (2021)

 


1. Là tác giả đề nghị xét công nhận sáng kiến: “ Một số biện pháp giáo dục đạo đức cho học sinh lớp 2.”

2. Chủ đầu tư tạo ra sáng kiến: Tác giả đồng thời là chủ đầu tư tạo ra sáng kiến.

3. Lĩnh vực áp dụng sáng kiến: Giáo dục ( chủ nhiệm)

4. Ngày sáng kiến được áp dụng lần đầu: 10.9.2020

5. Mô tả bản chất của sáng kiến:

5.1. Tính mới của sáng kiến:

    Như chúng ta đã biết, bên cạnh công tác giảng dạy, công tác chủ nhiệm lớp cững như việc giáo dục đạo đức cho học sinh đóng một vai trò rất quan trọng. Ngoài việc giúp các em có được kiến thức và kĩ năng cần thiết, việc giáo dục phát triển nhân cách đạo đức cho học sinh là một nhu cầu quan trọng giúp học sinh phát triển toàn diện. Bản chất của quá trình giáo dục là tổ chức toàn bộ cuộc sống, hoạt động vui chơi, học tập của học sinh. Bản thân tôi là một giáo viên chủ nhiệm, tôi luôn quan niệm việc dạy dỗ, giáo dục đạo đức cho các em trở thành những con người hữu ích cho bản thân, gia đình và xã hội là rất cần thiết. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng phải bươn chải với cuộc sống để lo cơm áo gạo tiền cho con nên họ ít có thời gian quan tâm đến con cái mình. Phụ huynh luôn hy vọng, tin tưởng và trông đợi vào chúng ta, đặc biệt những người giáo viên chủ nhiệm lớp, người luôn luôn gắn bó và giáo dục con em họ trở thành những người con ngoan, trò giỏi, có tài có đức. Hiểu được điều đó, xuất phát từ nhận thức của bản thân, việc giáo dục đạo đức cho học sinh cũng không kém việc giáo dục thể chất hay giáo dục tri thức tôi đã quyết tâm thực hiện “ Một số biện pháp giáo dục đạo đức cho học sinh lớp 2”

5.2. Nội dung sáng kiến:

       Để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đưa lớp trở thành một tập thể vững mạnh, phát huy năng khiếu của học sinh, tôi đã đề ra giải pháp: “ Một số biện pháp giáo dục đạo đức cho học sinh lớp 2.”

 Công việc của giáo viên chủ nhiệm lớp thật nhiều  không sao thống kê hết được. Trong bài viết này, tôi chỉ đi sâu vào một số nội dung chính sau đây:

      Năm học 2020- 2021, tôi được nhà trường phân công chủ nhiệm và giảng dạy lớp Hai 1. Lớp tôi có 40 học sinh. Trong đó có 28 nữ và 12 nam. Một số phụ huynh bận việc nên chưa có thời gian đi sâu, đi sát theo dõi con em mình trong việc học tập hằng ngày. Để thực hiện nâng cao chất lượng công tác chủ nhiệm lớp đó là giáo dục đạo đức cho học sinh tôi đã tiến hành như sau:

a. Chăm lo giáo dục đạo đức, lối sống; giáo dục truyền thống dân tộc cho học sinh.

Đây cũng là giải pháp cơ bản nhằm xây dựng, hình thành nhân cách cho học sinh. Trước hết cần quan tâm giáo dục những vấn đề cơ bản, chú trọng giáo dục làm cho học sinh nhận thức đúng các giá trị chân, thiện, mỹ, những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Nhà trường, gia đình, các tổ chức, đoàn thể, đặc biệt Đội thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh phải thường xuyên quan tâm bồi dưỡng cho học sinh những tình cảm cao đẹp về tình yêu quê hương, đất nước: “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, “thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”; giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn… Từ đó hình thành cho học sinh lối sống trong sạch, lành mạnh, những hành vi đạo đức trong sáng phù hợp với các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và thời đại thông qua các bài học đạo đức, thông qua các hành vi giao tiếp hàng ngày.

Giáo dục truyền thống, tuyên truyền cho học sinh về truyền thống nhà trường, truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước; tinh thần tự tôn dân tộc; niềm tự hào dân tộc, tình yêu thương gia đình và trách nhiệm của học sinh trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới. Tích cực học tập và làm theo 5 điều Bác Hồ dạy; kính trọng thầy, cô giáo và người lớn tuổi; đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ bạn bè; có động cơ, thái độ học tập đúng đắn; có hành vi giao tiếp, ứng xử văn hoá; chủ động, tích cực giữ gìn vệ sinh cá nhân,  giữ gìn và bảo vệ môi trường.

Phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương tích cực cho học sinh chăm sóc và phát huy các giá trị của các di tích lịch sử, văn hoá, cách mạng, nghĩa trang liệt sĩ, chăm sóc, giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng ...

.Biện pháp.

Treo ảnh, thơ anh hùng Lịch sử  trong các phòng học để học sinh đọc và ghi nhớ

Ví dụ:

- Tôi đầu tư đúng mức cho việc giáo dục tình yêu quê hương đất nước, giáo dục truyền thống cách mạng của dân tộc Việt Nam thông qua các ngày lễ lớn trong năm để các em có nhận thức đúng đắn ngay từ đầu về đất nước và con người Việt Nam như ngày 19/5, ngày  2/9, ngày 22/12, ngày 27/7,ngày giỗ Quốc tổ 10/3, ngày 30/4… Đặc biệt đối với ngày 27/7, tổ chức cho các em đi thăm hỏi tặng quà cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng. Tích cực động viên hướng dẫn các em tham gia các hoạt động để tỏ lòng biết ơn Bác Hồ, biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu và hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc; những người đã mang lại cho chúng ta cuộc sống hòa bình ấm no hạnh phúc ngày hôm nay.                

- Thông qua tình hình thời sự thực tế nạn lũ lụt đang tàn phá cuộc sống của đồng bào miền Trung, tôi giáo dục tinh thần tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách”,  phát động phong trào quyên góp tiền, sách vở, quần áo,… để ủng hộ cho các bạn. Bên cạnh đó, tôi phát động lớp giúp đỡ những bạn gặp khó khăn hoạn nạn tại địa phương, tại trường, lớp mình đang học.

- Tuyên truyền giáo dục các em ý thức đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống cũng như trong học tập. Biết thông cảm chia sẻ với những bạn có hoàn cảnh khó khăn, những bạn không may mắn; động viên chia sẻ khi bạn gặp chuyện buồn; thăm hỏi khi bạn ốm đau; giúp đỡ bạn cùng học tập cùng tiến bộ. Thành lập “Đôi bạn cùng tiến” để bạn học tốt giúp đỡ bạn tiếp thu chậm để cùng nhau tiến bộ.

         - Hoặc khi dạy bài đạo đức “Giúp đỡ người khuyết tật”, tôi liên hệ thực tế những bạn học sinh khuyết tật trong trường hay những người khuyết tật tại địa phương để giáo dục cho học sinh biết chia sẻ thương cảm đối với những mảnh đời không trọn vẹn.

b. Giáo dục tình cảm gia đình, sự hiếu thuận đối với ông bà, cha mẹ

Sống ở đời, ai cũng hiểu, con người ta sinh ra, lớn lên và trưởng thành là nhờ có cha mẹ. Không có cha mẹ sẽ không có chúng ta. Ngay từ khi sinh ra, ta đã phải chịu ơn mẹ mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày. Theo thời gian, ta lớn lên là nhờ có dòng sữa ngọt ngào và miếng cơm manh áo mà cha mẹ đã phải đổ mồ hỏi sôi nước mắt mới mang lại được. Suốt tuổi thơ của ta, ta được cha mẹ nâng niu, chiều chuộng. Những bài học đầu tiên của cha và những lời ru của mẹ đã khiến cho tuổi thơ của ta trôi qua êm đềm. Ngay từ những bước đi đầu tiên, mới chập chững vào đời, ta đã có cha mẹ dìu dắt. Cha mẹ là những ngọn đèn suốt cuộc đời soi sáng con đường chúng ta đi. Ngày ta thực sự trưởng thành có lẽ chính là ngày vui nhất trong đời cha mẹ. Mặc cho tuổi xuân của mình vùn vụt trôi qua, cha mẹ đã hi sinh cả cuộc đời mình cho con cái, để đánh đổi lấy những sợi tóc bạc ngày một nhiều thêm. Chính vì vậy mà để ghi nhớ đền đáp công lao to lớn của cha mẹ, ta luôn luôn phải hiếu thảo và vâng lời cha mẹ. Khi ở gần cha mẹ, ta phải làm cho cha mẹ vui lòng để bù đắp lại những ngày tháng vất vả mà cha mẹ đã nuôi nâng dạy dỗ ta. Suốt cuộc đời của mình, không lúc nào ta không kính trọng, biết ơn và thương yêu cha mẹ. Khi còn nhỏ, ta phải học tập chăm chỉ, ngoan ngoãn, không để cha mẹ buồn lòng. Khi cha mẹ đau ốm, ta sẽ luôn ở bên cha mẹ và tận tình chăm sóc. Khi trưởng thành dù có di đâu, ta cũng luôn nhớ về cha mẹ, và ta phải giáo dục con cháu ta sau này luôn luôn ghi nhớ công ơn của ông bà. Có vậy thì ta mới thực sự là một người con hiếu thảo.

Tôi phải chỉ rõ cho các em thấy được sự cần thiết của gia đình đối với mỗi con người, con người sinh ra nhờ đâu. “Chim có tổ, người có tông”, gia đình là nơi sinh ra chúng ta, nuôi dưỡng chúng ta, cho chúng ta cuộc sống đầy đủ về tinh thần, về vật chất. Ông bà sinh ra cha mẹ; cha mẹ sinh ra con cái. Sợi dây tình cảm này không thể cắt đứt được. Người giáo viên chủ nhiệm, hơn ai hết phải là người xây dựng cho các em những nhận thức đúng đắn về tình cảm thắm thiết máu mủ không thể thay thế của gia đình. Từ đó, các em sẽ ý thức được tình cảm, hành vi của bản thân đối với ông bà, cha mẹ, anh chị em. Rồi các em sẽ có ý thức hiếu thảo kính trọng đối với ông bà, cha mẹ.

c. Biện pháp

 Bằng những lời nhắc nhở, hướng dẫn hàng ngày trên lớp, giáo viên chủ nhiệm phải hướng các em đến những hành động cụ thể chứ không phải chỉ là lý thuyết.

Ví dụ:

- Giáo viên nhắc các em ghi nhớ ngày sinh của ông, bà, cha, mẹ,đặc biệt hai ngày 20/10 và ngày 8/3 các con tự làm thiêp và bông để chúc mừng bà và mẹ hoặc: có thể chúc mừng bằng lời nói; bằng việc giúp đỡ ông bà, cha mẹ để họ có thêm thời gian nghỉ ngơi; bằng sự hiếu thảo ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập…

- Khi ông bà, cha mẹ đau ốm phải biết quan tâm chăm sóc: dọn dẹp nhà cửa để ông bà, cha mẹ nghỉ ngơi; lấy nước cho ông bà, cha mẹ uống…

- Khi dạy bài đạo đức “Chăm làm việc nhà”, tôi giáo dục học sinh làm những việc vừa với sức mình giúp đỡ ông bà, cha mẹ để ông bà, cha mẹ có thời gian nghỉ ngơi sau những giờ lao động vất vả.

- Khi dạy bài đạo đức “Gọn gàng, ngăn nắp”, tôi giáo dục học sinh phải biết sắp xếp đồ đạc sách vở của mình gọn gàng ngăn nắp để bố mẹ khỏi phiền lòng; giúp đỡ cha mẹ sắp xếp đồ đạc trong gia đình.

d. Giáo dục lòng kính trọng, biết ơn thầy cô giáo.

Dân gian có câu: “Không thầy đố mày làm nên”. Đúng vậy, mỗi con người chúng ta được cha mẹ sinh ra, cho chúng ta hình hài, nuôi chúng ta lớn lên. Nhưng những tri thức mà chúng ta có được, những hiểu biết về thế giới xung quanh, những nhận thức về các giá trị chân – thiện – mĩ chúng ta có được là nhờ có sự dạy dỗ của những người thầy, người cô. Ở trường, chúng ta được học làm người; chúng ta được hiểu về sự tiến hóa, sự phát triển của con người qua các giai đoạn lịch sử. Không có sự dìu dắt, giáo dục của thầy cô thì chúng ta sẽ không thành người theo đúng nghĩa được. Vì vậy, mỗi học sinh cần phải biết kính trọng, lễ phép, biết ơn thầy cô giáo. Để tỏ lòng biết ơn thầy cô, các em cần phải chăm chỉ học tập, ngoan ngoãn vâng lời ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo; đoàn kết với bạn bè. Gặp thầy cô giáo phải lễ phép chào hỏi, không làm những điều khiến thầy cô giáo buồn lòng. Đó chính là bổn phận của người học sinh.

Trong xã hội mà nền kinh tế tri thức phát triển mạnh mẽ như ngày nay thì việc học là rất quan trọng. Do đó chúng ta phải đến trường ở đó các thầy cô giáo sẽ truyền thụ cho ta những kiến thức vô cùng bổ ích và thành công của ta hôm nay chính là nhờ phần lớn công lao dạy dỗ của các thầy các cô. Chúng ta cần phải biết ơn họ.

Tôi  đã liên hệ kể những câu chuyện thời xưa cho học sinh nghe:  Cụ Chu Văn An đã mở lớp dạy học tại quê nhà. Và nhiều người trong số những học trò của cụ đã làm đến những chức quan quan trọng trong triều đình. Phạm Sự Mạnh là một học trò như thế, tuy đã là quan đầu triều nhưng ông vẫn tỏ thái độ vô cùng kính trọng người thầy cũ của mình. Đến nhà thăm cụ, ông chỉ đứng từ xa vái chào, vào trong nhà cũng ko dám ngồi cũng sập với cụ, chỉ xin ngồi bậc dưới. Ông trả lời đầy đủ những câu hỏi của thầy, hỏi thăm sức khỏe của thầy như một người học trò bình thường. Tấm lòng thật đáng quý biết bao!

Thời nay học sinh chúng ta cũng có vô vàn cách để biểu lộ lòng biết ơn của mình đối với các thầy cô giáo: tham gia văn nghệ chào mừng 20-11; thi đua giành nhiều thành tích, đến thăm, chúc sức khỏe các thầy cô.

Biết ơn những người đã dạy dỗ mình là một hành động đẹp rất nên làm. Đó là việc làm của một người học sinh ngoan, biết phát huy tốt truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

                                             Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

                                    Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng.

.Biện pháp

Để dạy được cho học sinh hiểu rõ về bổn phận của mình dưới mái trường, hơn ai hết, người giáo viên chủ nhiệm là người gần gũi với các em nhất thì cần phải thường xuyên giáo dục nhắc nhở các em biết được những việc mình cần phải làm để tỏ lòng kính trọng, biết ơn các thầy cô.

Ví dụ:

- Khi dạy bài đạo đức “Chăm chỉ học tập”, “Kính trọng, biết ơn thầy cô giáo”; tôi kết hợp giáo dục các em bày tỏ lòng biết ơn thầy cô giáo bằng cách chăm chỉ học tập, luôn ngoan ngoãn, vâng lời thầy cô để đáp ứng lòng mong mỏi của thầy cô.

- Hàng năm có ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam, giáo viên cần tuyên truyền nhắc nhở các em bày tỏ lòng biết ơn đối với thầy cô bằng cách ra sức phấn đấu thi đua học tập, rèn luyện để trở thành con ngoan trò giỏi; viết thư gửi thầy cô; làm thơ, làm thiệp tặng thầy cô…

e. Tổ chức các hoạt động vui chơi bổ ích trong nhà trường, giảng dạy đầy đủ chương trình hoạt động giáo dục Đạo đức

Đây là giải pháp khắc phục nguyên nhân từ phía nhà trường và giáo viên. Vào các ngày lễ trong tháng, giáo viên chủ nhiệm cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường, Liên đội để tổ chức cho các em tham gia các hoạt động ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ lên lớp; tạo các sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em để giúp các em có thái độ, động cơ đúng đắn, xây dựng cho các em những hành vi phù hợp với chuẩn mực đạo đức; giúp các em hình thành và phát triển nhân cách một cách toàn diện.

.Biện pháp

Ví dụ: Tổ chức thi kể chuyện về Bác Hồ, giao lưu  văn nghệ, giao lưu nét vẽ xanh;…

-Hưởng ứng ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông, học sinh tham gia Nuôi heo đất, Cây mùa xuân cho bạn.

Trong giảng dạy, tôi luôn ý thức bản thân không được coi nhẹ môn học Đạo đức. Cần chú ý đảm bảo thời gian, đúng chương trình, bám sát chuẩn kiến thức kĩ năng, thực hiện lồng ghép giáo dục Bác Hồ với những bài học đạo đức. Tổ chức cho các em kể chuyện, đóng vai xử lý các tình huống để các em hiểu rõ, khắc sâu các hành vi chuẩn mực đạo đức, làm nền tảng cho các em thực hành trong giao tiếp và cuộc sống hàng ngày. Giáo viên cần lưu ý giảng dạy lý thuyết kết hợp thực hành, tránh nặng về lý thuyết mà không tạo cho các em cơ hội tập thể hiện mình.

f. Phối hợp với cha mẹ học sinh trong công tác giáo dục đạo đức cho các em

Đây chính là giải pháp khắc phục nguyên nhân từ gia đình. Phối hợp với phụ huynh nâng cao nhận thức về tác động, ảnh hưởng lớn lao của gia đình đến sự phát triển nhân cách của trẻ. Cha mẹ, người lớn trong nhà cần noi gương cho các em từ hành động, cử chỉ, lời nói đến cách cư xử với từng thành viên trong gia đình. Không để các em phải chứng kiến cách cư xử thô lỗ của người lớn trong gia đình với nhau.

Cha mẹ cần kiểm soát giờ học tập, vui chơi ở nhà của con em. Tránh nuông chiều con em quá mức dẫn đến các em sa đà vào những trò chơi trong máy tính, điện thoại mà lơ là việc học tập. Cần cho con em tham gia các hoạt động vui chơi, văn hóa thể thao bổ ích, tham gia các hoạt động cộng đồng.

Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho phụ huynh, xác định vai trò nhiệm vụ nội dung của việc tổ chức phối hợp nhà trường gia đình và xã hội nhằm giáo dục đạo đức cho học sinh. Vì có nhận thức đúng mới có hành động đúng. Tuyên truyền về đường lối giáo dục, mục đích, mục tiêu giáo dục, phương pháp giáo dục. Thông qua phụ huynh, truyền đạt đến học sinh tất cả những quy định của nhà trường về tiêu chuẩn đánh giá, những điều cấm, những điều nên làm và những tác hại khi học sinh vi phạm kỷ luật.

Giáo viên chủ nhiệm cần có những hỗ trợ cụ thể cho các bậc cha mẹ trong việc giáo dục con cái. Cần chỉ ra cho các bậc cha mẹ học sinh những khả năng, ưu thế đặc biệt của giáo dục gia đình. Đặc biệt giúp cho họ ý thức được một cách sâu sắc mục đích giáo dục của nhà trường xã hội chủ nghĩa, mục tiêu giáo dục đạo đức ở trường Tiểu học. Giúp họ nắm được nội dung và phương pháp giáo dục đạo đức trong gia đình cho con em họ ở lứa tuổi học sinh tiểu học. Gia đình cần chủ động liên kết với nhà trường, với giáo viên chủ nhiệm để nắm vững mục tiêu, nội dung giáo dục và kết quả học tập của con em. 

Việc phối hợp của gia đình với nhà trường trong giáo dục đạo đức cho học sinh được thực hiện tốt khi: Các bậc cha mẹ có nhận thức đúng về trách nhiệm phối hợp với nhà trường trong giáo dục con em, không bao che những thiếu sót của con ở nhà. Thống nhất với nhà trường về mục tiêu, phương pháp giáo dục. Hàng ngày dành thời gian cần thiết cho việc chăm sóc, giúp đỡ, kiểm tra con em về mọi mặt để kịp thời nắm bắt những biến đổi của con cái. Cần trở thành gương tốt cho con, cháu học tập; có trách nhiệm tham gia đầy đủ các buổi họp phụ huynh học sinh; thường xuyên phối hợp tốt với giáo viên chủ nhiệm - nhà trường để kịp thời nắm bắt các thông tin trong công tác quản lý việc học tập, chăm lo giáo dục rèn luyện đạo đức của con em mình .

Giáo viên chủ nhiệm là người trực tiếp giảng dạy, giáo dục học sinh, là 
người thực hiện sự phối hợp, liên kết bền chặt với giáo viên bộ môn, các đoàn thể trong nhà trường, giữa “Gia đình - Nhà trường - Xã hội” vì vậy cần phải có sự kiên trì, có tâm huyết với nghề; có phương pháp chủ nhiệm tốt. Từ việc tìm hiểu, nắm bắt hoàn cảnh gia đình, năng lực từng học sinh, học sinh có hoàn cảnh khó khăn … đến việc xử lý tình huống.

Gia đình có một vị trí rất quan trọng đối với sự hình thành và phát triển nhân cách nói chung và đạo đức nói riêng của học sinh. Vì vậy việc phối hơp giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục học sinh là một đòi hỏi tất yếu và là trách nhiệm của cả gia đình và nhà trường. Song thực tế của quá trình phối hợp chỉ ra rằng: Nhà trường phải đóng vai trò chủ đạo, chủ trì sự phối hợp này là giáo viên chủ nhiệm lớp. Tất nhiên mọi giáo viên ở mức độ nào đó cũng phải phối hợp với cha mẹ học sinh, nhưng mối liên hệ đó không thường xuyên.

.Biện pháp.

Tôi thực hiện sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình bởi một số biện pháp chủ yếu sau đây:

- Thăm gia đình học sinh: Đây là một hình thức phổ biến được sử dụng rộng rãi và có hiệu quả. Trong khi thăm hỏi gia đình, giáo viên chủ nhiệm có thể tìm hiểu cụ thể hoàn cảnh sống, lao động, học tập và tu dưỡng của học sinh, hiểu được sự giáo dục của gia đình; cùng gia đình kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình giáo dục. Khi trò chuyện với cha mẹ học sinh, giáo viên hiểu được tính cách, hứng thú và khuynh hướng của các em đồng thời giáo viên chủ nhiệm cũng đem lại cho gia đình những lời khuyên về mặt sư phạm trong việc tổ chức công việc ở nhà, những hình thức và phương pháp rèn luyện đạo đức cho các em... Qua đó tạo ra và củng cố sự tin cậy lẫn nhau giữa hai bên. Nhờ vậy hiệu quả giáo dục học sinh sẽ được nâng cao. Việc thăm hỏi gia đình học sinh giúp cho giáo viên chủ nhiệm thu thập được những thông tin có giá trị về học sinh làm tư liệu cần thiết cho công tác giáo dục học sinh. Tuy nhiên những thông tin này phải được xử lý một cách cẩn thận và có hệ thống cùng với các thông tin khác về học sinh trong quá trình giáo dục, tuyệt đối không được hời hợt, chủ quan định kiến. 

- Mời cha mẹ học sinh đến trường: Đây là biện pháp được tôi  sử dụng trong trường hợp học sinh vi phạm kỷ luật học tập, vi phạm đạo đức ở mức độ trầm trọng. Nhà trường có thể mời cha mẹ học sinh tới để thông báo tình hình, cùng cha mẹ học sinh tìm những biện pháp thích hợp để giáo dục học sinh có hiệu quả. Việc mời cha mẹ học sinh tới trường về những thiếu sót của học sinh chỉ tiến hành trong những trường hợp thật cần thiết và nghiêm trọng. Cần quan niệm rằng việc mời cha mẹ học sinh tới trường còn để giúp họ hiểu rõ công việc giảng daỵ và giáo dục của nhà trường và rèn luyện con cái họ. Nhà trường phải biết huy động sự giúp đỡ của họ dưới nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với họ... Những cuộc gặp gỡ với cha mẹ học sinh cho phép xây dựng mối quan hệ giữa gia đình - nhà trường ngày một thân thiết hơn; đồng thời ngăn ngừa được những thiếu sót trong học tập và đạo đức của học sinh. Tuy nhiên không nên lợi dụng việc mời cha mẹ học sinh đến trường vì những mục đích riêng tư, đồng thời phải có thái độ đúng mực trong việc tiếp xúc đó. 

- Tổ chức các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh của lớp: Cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh của lớp là biện pháp liên hệ rộng rãi nhất giữa giáo viên chủ nhiệm với cha mẹ học sinh và được sử dụng một cách phổ biến. Đó là những cuộc họp được tổ chức định kỳ theo quy định. Để các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh có hiệu quả cao, giáo viên chủ nhiệm cần phải biết cách điều khiển cuộc họp. Để điều khiển cuộc họp được tốt giáo viên chủ nhiệm cần phải chuẩn bị cẩn thận, chu đáo, xác định mục tiêu của các cuộc họp một cách cụ thể, xây dựng nội dung họp thiết thực và phong phú. Khi tiến hành các cuộc họp, giáo viên chủ nhiệm cần khéo léo, tế nhị, kích thích được tính tích cực của các bậc cha mẹ học sinh trong việc đề ra các biện pháp phối hợp với nhà trường, không được xúc phạm đến nhân cách học sinh, đến danh dự của các bậc cha mẹ học sinh. Sau mỗi lần tổ chức cuộc họp cần tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm về nội dung và hình thức của lần họp đó để kỳ họp lần sau đạt kết quả tốt hơn. 

-  Trao đổi điện thoại, tin nhắn, Zalo với cha mẹ học sinh: Trao đổi điện thoại, tin nhắn với cha mẹ học sinh cũng là một hình thức phối hợp giữa gia đình và nhà trường. Hình thức này được sử dụng để thông báo tình hình học tập, tu dưỡng đạo đức của học sinh giữa giáo viên chủ nhiệm và cha mẹ học sinh hàng tháng; đặc biệt là khi có những biến động đột xuất. Hiện nay, chúng tôi sử dụng tin nhắn điện tử để liên lạc với cha mẹ học sinh. Với lợi thế  này tôi có thể sử dụng triệt để để liên lạc thông báo với phụ huynh tình hình học tập và rèn luyện đạo đức của các em. Ngoài ra tôi còn kết ra Zalo với tất cả phụ huynh trong lớp. Như vậy sợi dây liên kết giữa nhà trường – gia đình càng chặt chẽ và thường xuyên hơn.

g. Nêu gương người tốt việc tốt

Kịp thời nêu gương, khen thưởng khi học sinh có biểu hiện xuất sắc về những hành vi đạo đức là một biện pháp tích cực kích thích các bạn khác học tập và làm theo. Bởi vậy, tôi đã phối hợp với chi hội cha mẹ học sinh của lớp mua những phần thưởng xứng đáng để tặng những em tiêu biểu kịp thời nhằm khuyến khích động viên các em. Học sinh Tiểu học nói chung, lớp 2 nói riêng không gì vui bằng được nhận phần thưởng khi mình làm được một việc tốt. Đó là động lực để các em tiếp tục phấn đấu.

.Biện pháp

Ví dụ: Trong lớp tôi có em Dư Mai là một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, cha mẹ đều đi tù, em sống với ông bà nên cuộc sống của em rất khó khăn. Khả Di là một học sinh ngoan, học giỏi, luôn gần gũi giúp đỡ em Mai. Có quyển sách hay em mang cho Mai cùng xem, em cùng Mai học tập và vui chơi, giúp Mai hòa nhịp với bạn bè không còn mặc cảm về hoàn cảnh. Tôi kịp thời tuyên dương Khả Di trước lớp, tặng em một bộ truyện tranh.

Hoặc trường hợp em Nhất Lâm viết chính tả còn chưa tốt , tôi đã xây dựng đôi bạn cùng tiến giúp đỡ nhau trong học tập.  Chỉ một thời gian ngắn mà Lâm học tập tiến bộ rõ rệt. Tôi đề nghị Chi hội Cha mẹ học sinh mua quà tặng hai em mỗi bạn một phần quà là những cuốn vở hoặc cây bút, quyển truyện. Cả hai bạn đều rất vui. Thế là các bạn trong lớp đã cùng đoàn kết giúp đỡ nhau trong học tập, biết quan tâm đến bạn bè hơn, biết động viên chia sẻ khi bạn gặp chuyện không vui.

Cuối mỗi tuần, tôi hướng dẫn cho các em ghi ra giấy những việc tốt đã làm được ở nhà cũng như ở trường và ở ngoài cộng đồng. Sau đó tổ chức cho các em báo cáo trước lớp và tuyên dương kịp thời những em làm được nhiều việc tốt. Tôi yêu cầu các em về đưa lại tờ giấy đã ghi những việc làm tốt của mình cho cha mẹ xem để cha mẹ biết và kịp thời khen thưởng các em. Làm được việc tốt vừa được thầy cô vừa được cha mẹ khen ngợi chắc chắn sẽ là động lực để các em phấn đấu làm được nhiều việc tốt hơn nữa.

Bởi vậy, giáo viên chúng ta đừng tiếc những phần thưởng nho nhỏ đối với các em. Phần thưởng nhỏ nhưng mang ý nghĩa và giá trị rất lớn.

h. Không lạm dụng trò chơi điện tử. Cần tích cực tham gia các hoạt động vui chơi bổ ích, các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao

Tôi phân tích để các em thấy rõ tác hại của các trò chơi điện tử trên máy tính, điện thoại; lợi ích của việc tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, thể thao bổ ích:

- Nếu chơi điện tử sẽ dẫn đến ham. Nếu ham thì suốt ngày chơi bỏ bê việc học hành, ngồi chơi lâu sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, trí não. Những người hay chơi điện tử thường bị ám ảnh và gặp những vấn đề về thần kinh hơn những người không chơi game. Trẻ em hay chơi điện tử thường khó kiểm soát được tâm lý, khó hòa nhập vào xã hội và nếu để lâu sẽ trở thành người nghiện game, bị mất tập trung, giấc ngủ thường bị gián đoạn, hay lo âu, giận dữ vô cớ và bị ám ảnh bởi các trò chơi. Nếu đam mê chơi trò chơi bạo lực thường bị ảnh hưởng bởi những những hình ảnh này và trở nên hung hăng hơn; có nhiều khả năng trở thành thủ phạm hoặc nạn nhân của những hành vi bạo lực ngoài đời. Hiện tượng ảo giác do chơi game cũng ảnh hưởng rất lớn đến con người. Và còn rất nhiều những ảnh hưởng xấu tác động đến chúng ta nếu chúng ta ham chơi điện tử.

.Biện pháp

Tôi kể các trường hợp là nạn nhân của các trò chơi game được đưa tin trên tivi để dẫn chứng cho các em thấy tác hại của việc đam mê trò chơi điện tử.

 Nếu tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa, thể dục thể thao đều đặn, các em sẽ phát triển thể chất một cách tối đa và cơ thể luôn có sức đề kháng cao. Khi tham gia các hoạt động, các em sẽ có cơ hội được vận động, nô đùa, trẻ sẽ kiểm soát được trọng lượng cơ thể, ngủ tốt hơn, khỏe mạnh và linh hoạt. Các em sẽ được tiếp xúc với những người bạn mới, sẽ linh hoạt, ít có biểu hiện bị trầm cảm, lo lắng, ngôn ngữ phát triển, dễ hòa nhập hơn. Các em cũng sẽ được tự mình tìm tòi khám phá ra rất nhiều điều thú vị bổ ích trong cuộc sống của chúng ta…

Nếu làm cho các em thấy rõ được hai điều đó, các em sẽ tự mình tránh xa các trò chơi điện tử vô bổ mà tham gia các hoạt động vui chơi giải trí có ích để phát triển và hoàn thiện bản thân hơn.

     

i.Hình thành nhân cách:

 

       Là một người giáo viên chủ nhiệm lớp, khi đã xác định vị trí của mình trong tập thể học sinh thì phải luôn quan tâm, gần gũi, chia sẻ, khuyến khích, giáo dục học sinh mọi lúc, mọi nơi. Với những em học sinh chưa ngoan, ta quan tâm hơn, tranh thủ trò chuyện với các em vào các giờ ra chơi. Nếu học sinh mắc khuyết điểm, tôi tìm cách gặp riêng như ở lại cuối buổi học để hỏi han, tìm nguyên nhân và giải quyết, tránh mạt sát các em nhất là trước lớp. Muốn công tác chủ nhiệm thành công thì giáo viên chủ nhiệm cần phải nhiệt tình, kể cả kiên nhẫn, có tình thương yêu đối với các em học sinh. Với đồng nghiệp tôi luôn tôn trọng và chuẩn mực trong văn hóa giao tiếp. Vì theo tôi người giáo viên phải là điểm tựa, là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Chính vì thế tôi sẽ phấn đấu học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ sư phạm, để gặt hái kết quả tối ưu, đưa thế hệ tương lai cùng hòa chung nhịp đập của toàn cầu, toàn nhân loại.

k.Giáo dục đạo đức học sinh qua tiết sinh hoạt lớp

     Cuối tuần vào thứ sáu, giờ giáo dục tập thể, tôi không đặt vấn đề quan trọng là cứ phải nhận xét phê bình. Mà đối với lớp, tôi chủ yếu là tuyên dương và nhắc nhở để các em noi gương phấn đấu. Cuối tuần cũng là dịp để cô trò chúng tôi ôn lại quá trình mà tôi cùng cả lớp đã thực hiện được những gì theo kế hoạch đề ra, những gì chưa thực hiện được để tiếp tục phấn đấu. Ban cán sự lớp có kế hoạch rõ ràng cho tổ dựa trên kế hoạch của lớp. Có những tiết tôi còn hướng dẫn các em làm thiệp, xếp hạc giấy, viết thư, kể chuyện, múa hát, trò chơi, xem phim tài liệu kỉ niệm các sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, tổ chức thi tìm hiểu an toàn giao thông… vào những dịp chuẩn bị cho ngày lễ, ngày hội trong năm học.

     Tôi thường  xuyên khen thưởng các em về sự tiến bộ trong nề nếp kỉ luật, trong học tập, tạo động lực thúc đẩy các em hăng say thi đua. Tôi cũng luôn nhắc nhở các em thực hiện 5 nhiệm vụ của người học sinh và 10 yêu cầu của “lớp học thân thiện, học sinh tích cực” mà cô trò chúng tôi thống nhất ngay từ đầu năm học. Tôi luôn nghĩ: Nếu người giáo viên nghiêm túc quá thì sẽ gây sự căng thẳng cho các em, làm cho các em sợ mà khó gần. Nhưng không vì vậy mà chúng ta lại quá dễ dãi trong việc giáo dục làm cho các em dễ đi quá đà mà quên đi đạo lý giữa thầy và trò, dẫn đến hậu quả khó uốn nắn hơn.

    Tôi luôn theo sát kế hoạch của trường, của Đoàn, Đội đề ra và thông báo ngay cho lớp thực hiện. Muốn các em tham gia tốt phong trào trước tiên tôi phải ngồi lại phân tích cho các em hiểu ý nghĩa của việc đó. Khi hiểu rồi chắc chắn các em sẽ tự nguyện tích cực tham gia mà không hề đắn đo, suy nghĩ.

 

5.3. Khả năng áp dụng của sáng kiến:

         Phương pháp này có thể áp dụng cho toàn thể học sinh khối 2 ở trường Tiểu học An Lộc A và học sinh khối 2 trong toàn địa bàn Thị xã Bình Long.

6. Những thông tin cần được bảo mật: Không

7. Các điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến: không

8. Đánh giá lợi ích thu được do áp dụng sáng kiến:

   8.1. Kết quả đạt được:

Từ những giải pháp nho nhỏ tôi áp dụng đã mang lại kết quả thật đáng mừng. Học sinh trong lớp tôi rất ngoan ngoãn, lễ phép; biết vâng lời cha mẹ, thầy cô. Các em luôn bảo ban nhau nói lời hay, làm việc tốt, tích cực thi đua trong học tập. Trong lớp không xảy ra tình trạng chán học, bỏ học; không có tình trạng ham chơi bỏ bê việc học tập. Biết thương yêu đoàn kết gắn bó giúp đỡ nhau trong học tập. Các em không vi phạm nội quy trường lớp, luôn tự giác giữ gìn trường lớp sạch đẹp. Nhiều năm liền, lớp tôi chủ nhiệm luôn được đánh giá là lớp xuất sắc toàn diện.

Sự tiến bộ về cách ứng xử của các em trong gia đình cũng được cha mẹ các em nhìn nhận. Ở nhà, các em ngoan ngoãn, biết làm những công việc vừa với sức mình để giúp đỡ ông bà, cha mẹ; biết quan tâm đến mọi người trong gia đình. Các em tự giác hơn trong giờ tự học ở nhà, nói năng lễ phép, không nói tục chửi thề. Các em biết tự lập trong cuộc sống, ít làm cha mẹ phiền lòng; không ham các trò chơi trong máy tính, điện thoại. Tôi đã tạo được niềm tin trong phụ huynh bằng tinh thần trách nhiệm, sự đổi mới trong công tác giảng dạy cũng như trong giáo dục học sinh.Sau đây là kết quả đạt được trong Năm học 2019 – 2020 kết quả học kỳ I năm học 2020 -2021 của lớp tôi chủ nhiệm: 

* Kết quả đạt được cuối năm học 2019 – 2020

- Về Năng lực và Phẩm chất :

 + Năng lực

 

Mức độ hình thành và phát triển năng lực

 

Tổng số học sinh

Tốt

%

Đạt

%

Cần cố gắng

%

Tự phục vụ, tự quản

37

31

97,3

6

2,7

 

 

Hợp tác

37

36

97,3

1

2,7

 

 

Tự học và giải quyết vấn đề

37

37

100

 

 

 

 

 

 + Phẩm chất

 

Mức độ hình thành và phát triển phẩm chất

 

Tổng số học sinh

Tốt

%

Đạt

%

Cần cố gắng

%

Chăm học, chăm làm

37

31

97,3

6

2,7

 

 

Tự tin, trách nhiệm

37

35

94,6

2

5,4

 

 

Trung thực, kỉ luật

37

37

100

 

 

 

 

Đoàn kết, yêu thương

37

37

100

 

 

 

 

 

-   Về văn nghệ, TDTT: 

+Tham gia tốt các phong trào văn nghệ, TDTT.

-  Về tham gia các hoạt động , phong trào của Đội :

+ Tham gia tốt phong trào Công trình Thanh thiếu niên cấp trường, cấp Thị xã, Nuôi heo đất, Nghĩa tình biên giới , Cây mùa  xuân cho bạn.

Cuối năm lớp chủ nhiệm đạt danh hiệu: Tiên tiến

Đến năm học 2020– 2021, tôi tiếp tục được nhà trường phân công trực tiếp giảng dạy và làm công tác chủ nhiệm lớp Hai/1. Trong học kỳ I vừa qua, với tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì học sinh thân yêu, lớp tôi có sự chuyển biến đáng kể.

- Về Năng lực và Phẩm chất cuối học kỳ I:

 + Năng lực

 

Mức độ hình thành và phát triển năng lực

 

Tổng số học sinh

Tốt

%

Đạt

%

Cần cố gắng

%

Tự phục vụ, tự quản

40

34

85

6

15

 

 

Hợp tác

40

38

95

2

5

 

 

Tự học và giải quyết vấn đề

40

32

80

8

20

 

 

 

  + Phẩm chất

 

Mức độ hình thành và phát triển phẩm chất

 

Tổng số học sinh

Tốt

%

Đạt

%

Cần cố gắng

%

Chăm học, chăm làm

40

35

87,5

5

12,5

 

 

Tự tin, trách nhiệm

40

35

87,5

5

12,5

 

 

Trung thực, kỉ luật

40

34

85

6

15

 

 

Đoàn kết, yêu thương

40

40

100

 

 

 

 

 

-   Về văn nghệ, TDTT:

 +Tham gia tốt các phong trào do trường , Đội phát động.

- Về tham gia các hoạt động, phong trào của Đội :

+ Tham gia tốt Nghĩa tình biên giới, Nuôi heo đất.

+ Cây mùa xuân cho bạn lớp và phụ huynh ủng hộ 6.900.000 đồng.

   8.2. Bài học kinh nghiệm:

     Qua quá trình nghiên cứu trên, bản thân tôi đã rút ra được bài học:

Muốn làm tốt việc giáo dục đạo đức cho học sinh, trước hết người giáo viên phải tìm hiểu, nắm vững đối tượng học sinh; cần có biện pháp cụ thể, kịp thời; biết xử lý tốt trong mọi tình huống. Giáo viên cần phải nhiệt tình, hăng say, nắm rõ công tác giáo dục; luôn trau dồi phẩm chất đạo đức tốt; phải yêu nghề, mến trẻ, thực sự có ý thức trách nhiệm và xứng đáng là người giáo viên để học trò thương yêu, phụ huynh tin tưởng, là người giáo viên của nhân dân. Giáo viên phải biết vượt qua khó khăn; luôn quan tâm theo dõi các em; hòa mình vào không khí tập thể; bỏ qua mọi khó khăn; buồn phiền trong cuộc sống; luôn vui vẻ khi đến trường. Cần biết phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội; thực hiện tốt kế hoạch đề ra.                                      

 Nguồn: ST


Nếu khi tải tài liệu bị lỗi, hãy liên hệ admin tại mục LIÊN HỆ-HỖ TRỢ trên website để được cập nhật/fix lỗi link tải mới.

Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/

Previous Post Next Post

QC

QC