Skkn Giáo dục lòng nhân ái cho học sinh lớp 9

 


Sáng kiến: “Giáo dục lòng nhân ái cho học sinh lớp chủ nhiệm”.

PHẦN I: MÔ TẢ BẢN CHẤT CỦA SÁNG KIẾN

1. Lý do chọn đề tài

Nhân dân ta từ xưa đến nay luôn có tấm lòng nhân ái, đó là truyền thống quý báu đáng quý giúp gắn kết trái tim của mọi người với nhau, từ đó tạo ra sức mạnh toàn dân đại đoàn kết. Tình cảm đó giúp con người vượt qua khó khăn và đi đến thành công.

Lòng nhân ái chính là sức mạnh to lớn nhất của thế giới, nó có thể đánh tan được cái lạnh vào mùa đông. Làm cho những trái tim băng giá trở nên ấm áp hơn, lòng nhân ái còn kéo con người gần nhau hơn. Từ đó chúng ta sẽ tạo ra được nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống hàng ngày. Nếu như lòng nhân ái được lan rộng ra khắp thế giới thì cuộc sống của con người sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều. Minh chứng cho lòng nhân ái chính là Bác Hồ, Người đã hi sinh cả một đời vì nước vì dân. Chính Người đã mở sang một chương mới trong lịch sử của nước Việt Nam.

Ngày nay cùng với sự phát triển của nền công nghiệp theo hướng hiện đại hóa, sự phát triển công nghệ 4.0 bên cạnh những thành tựu đạt được thì những giá trị truyền thống, giá trị đạo đức, lòng nhân ái cũng bị biến tướng, lệch lạc trong một phần giới trẻ. Vì vậy chúng ta phải giáo giục học sinh bằng cách này hay cách khác để các em thấy được những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của ông cha ta trong đó có lòng nhân ái, đó chính là một phẩm chất vô cùng đẹp của con người nên chúng ta cần phải cố gắng phát huy và áp dụng vào cuộc sống xung quanh.  Nên tôi đưa ra giải pháp : “ giáo dục lòng nhân ái cho học sinh lớp chủ nhiệm” và đạt được kết quả khả quan.

2.Tính mới của giải pháp: 

Giáo dục lòng nhân ái cho học sinh là một công việc mà mỗi một người giáo viên không chỉ là giáo viên chủ nhiệm nên làm và cần phải làm bởi tính cấp thiết của nó. Đề tài cũng đã  kế thừa những giải pháp của các đề tài khác để giáo dục cho học sinh về lòng nhân ái  với vai trò là giáo viên chủ nhiệm như lồng ghép trong các tiết sinh hoạt chủ nhiệm, sinh hoạt 15 phút đầu giờ. Trước đây giáo viên cũng giáo dục lòng nhân ái thông qua các  tiết sinh hoạt chủ nhiệm nhưng thường là một chiều, một phương pháp thuyết trình, diễn giảng lý thuyết từ giáo viên đến học sinh để học sinh nghe. Còn trong đề tài này có những cách làm hay, hiệu quả hơn, mới lạ hơn  giáo viên vận dụng phương pháp dạy học tích cực để giáo dục học sinh, cho học sinh được trải nghiệm, cảm xúc thật của mình. Để học sinh tự hiểu ra được các vấn đề, đem lại sự tiếp nhận về lòng nhân ái cho học sinh một cách nhẹ nhàng. Đề tài đã giáo dục lòng nhân ái cho học sinh theo một số nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Đã làm thay đổi được một số bộ phận học sinh và phụ huynh, đã tạo ra sự gắn kết giữa học sinh với học sinh, giữa học sinh với giáo viên, giữa phụ huynh và học sinh và phụ huynh với giáo viên. Và qua đó học sinh cũng được thể hiện mình, khẳng định bản thân mình, được sự tôn trọng như vậy thì sẽ tạo động lực thúc đẩy cho việc thực hiện mục tiêu năm học.

Phần II. NỘI DUNG

I. MỘT SỐ QUAN NIỆM VỀ LÒNG NHÂN ÁI

1. Quan niệm truyền thống

Lòng nhân ái là biểu hiện của một nhân cách và tâm hồn cao đẹp, đức hạnh của mỗi người, "nhân" là "người", "ái" là "yêu thương", "nhân ái" chính là tình yêu thương giữa những con người với nhau. Là sự giúp đỡ, sẻ chia với nhau khi gặp khó khăn trong cuộc sống. Ngoài ra, lòng nhân ái cũng có nghĩa là sự bao bọc cho những người yếu hơn mình.

2. Quan điểm yêu thương con người  trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Kế thừa truyền thống nhân nghĩa của dân tộc, kết hợp với chủ nghĩa nhân đạo cộng sản, tiếp thu tinh thần nhân văn của nhân loại qua nhiều thế kỷ cùng với việc thể nghiệm của chính bản thân mình qua hoạt động cách mạng thực tiễn, Hồ Chí Minh đã xác định: Yêu thương con người là một trong những phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất.

Yêu thương con người là một tình cảm rộng lớn, trước hết là dành cho người cùng khổ, những người lao động bị áp bức bóc lột.

Yêu thương con người còn thể hiện trong mối quan hệ bạn bè, đồng chí, và mọi người trong sinh hoạt thường ngày.

Trong Di chúc thiêng liêng, Người căn dặn Đảng phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Đây chính là điều nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải luôn chú ý đến phẩm chất yêu thương con người.

3. Theo quan điểm trong chương trình chương trình giáo dục phổ thông mới

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ hình thành và phát triển cho học sinh 5 phẩm chất chủ yếu là yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.


Ảnh 5 phẩm chất trong chương trình phổ thông mới

 

Trong đó lòng nhân ái là yêu quý mọi người. Tôn trọng danh dự sức khỏe và cuộc sống riêng tư của người khác. Phản đối cái ác, cái xấu, biết quan tâm chia sẻ khó khăn giúp đỡ mọi người tích cực tham gia các hoạt dộng từ thiện và phục vụ cộng đồng.  Đồng thời nhân ái còn là sự tôn trọng sự khác biệt giữa mọi người. Đó là tôn trọng sự khác biệt về nhận thức, phong cách cá nhân, tôn trọng sự  đa dạng về văn hóa của các dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam. Cảm thông sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ mọi người.

4. Sự cần thiết của giáo dục lòng nhân ái cho học sinh

Lòng nhân ái là một phẩm chất được nằm sâu trong mỗi bản chất của một con người. Phẩm chất này luôn tồn tại bên trong con người của chúng ta và nó ở trong chính cuộc sống của bản thân. Thông thường thì lòng nhân ái thường xuất hiện ở những hoạt động hàng ngày như: Cử chỉ, lời nói, hành động… Khi mình mở lòng nhân ái đối với bất cứ ai thì người đó sẽ cảm nhận được sự ấm áp của mình.

Yêu thương con người là một trong những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của dân tộc ta có từ ngàn đời nay. Dân tộc ta luôn gìn giữ và phát huy truyền thống đó. 

Mỗi một cá nhân đều phải sống và có trách nhiệm với xã hội để góp phần vào sự phát triển của loài người. Một số ví dụ điển hình như: Bác Hồ người đã hy sinh cả đời mình để giải cứu đất nước khỏi ách đô hộ. Hoặc những nhà hảo tâm đã không màng đến thế sự họ dành phần đời còn lại của mình để giúp đỡ người khác.

II/ CÁC GIẢI PHÁP

1/ Giáo dục lòng nhân ái trong tuần sinh hoạt đầu năm

a.     Mục tiêu:

      Để giáo dục lòng nhân ái cho các em học sinh thì điều đầu tiên là bản thân thầy cô phải là người luôn yêu thương các em, coi các em học sinh như con em mình, phải luôn làm gương cho các em. Phải để cho các em thấy được chính các em được yêu thương, được bảo bọc, thấy được ngôi trường là nhà thứ hai của các em, và thầy cô là những người cha người mẹ thứ hai của các em dưới mái ấm gia đình của mình. Tôi luôn quan niệm : “thấu hiểu để yêu thương” trong công tác chủ nhiệm. Vì mỗi con người sinh ra đều có những mặt tốt, mặt xấu, mỗi người sinh ra có 8 loại thông minh khác nhau, theo các cách khác nhau, mỗi người sẽ có thế mạnh khác nhau. Mỗi một thầy cô chúng ta cần phải định hướng đúng, phát huy những thế mạnh các em, hạn chế những điểm yếu. Để cho các em  được hoàn thiện về nhân cách, để các em có thể thể hiện mình, chứng tỏ mình với mọi người, các em thấy được mỗi một các nhân trong tập thể đều có cơ hội như nhau, đều được bình đẳng, được yêu thương với nhau, tạo nên một tập thể đoàn kết. Thầy cô là người tạo động lực, là người truyền cảm hứng cho các em . Đó là sự yêu thương các em một cách đúng mực, tạo sự tin tưởng các em, và các em cũng thấy được sự tin tưởng đó để các em khẳng định bản thân mình, từ đó các em sẽ đạt được những mục tiêu cho mình trong việc học và xác định đúng hướng cho cuộc đời mình, từ đó sẽ mang lại niềm hạnh phúc cho các em.

b.     Thời gian thực hiện :

Trong các tiết gặp gỡ, sinh hoạt của giáo viên chủ nhiệm trong tuần sinh hoạt đầu năm theo kế hoạch nhà trường.

c.      Cách thực hiện

      Tiết 1: TIẾT ĐẦU  ẤN TƯỢNG

Hoạt động 1: Sau màn chào hỏi ổn định lớp, tôi đã kể cho các em nghe câu chuyện (chiếu kèm hình ảnh trên power point)

Bottom of Form CÂU CHUYỆN BỐN MÙA( sưu tầm trên intermet)

Vào một ngày đầu năm, bốn nàng tiên Xuân, Hạ, Thu, Đông gặp nhau ở vườn đào. Các chị em ai cũng phấn khởi vì được gặp lại nhau, họ nói cười vô cùng vui vẻ.

Nàng Đông cầm tay nàng Xuân và nói rằng:

– Xuân là người sung sướng nhất ở đây. Vì mùa Xuân đến cây cối xanh tốt mơn mởn, ai cũng yêu quý Xuân cả.

Thế rồi nàng Xuân khe khẽ nói với nàng Hạ rằng:

– Nếu không có những tia nắng ấm áp của nàng Hạ thì cây trong vườn không có nhiều hoa thơm cây trái trĩu nặng.

Còn nàng Hạ đáng yêu thì nói rằng:

– Các bé thiếu nhi là thích nàng Thu nhất. Vì có nàng Thu các bé được phá cỗ đêm trăng rằm, được rước đèn ông sao.

Nàng Đông thấy các chị nói vậy mặt nàng buồn buồn. Nàng cho rằng mọi người đều yêu quý các chị của mình, còn nàng thì không được ai yêu quý.

Thu đặt tay lên vai Đông thủ thỉ:

– Sao em lại nghĩ vậy, có em mới có bập bùng bếp lửa nhà sàn, có giấc ngủ ấm trong chăn. Sao lại có người không thích em được ?

Bốn nàng tiên mải chuyện trò, không biết bà chúa Đất đã đến bên cạnh từ lúc nào. Bà vui vẻ nói chuyện:

– Các cháu mỗi người một vẻ. Xuân làm cho cây lá tươi tốt. Hạ cho trái ngọt, hoa thơm. Thu làm cho trời xanh cao, học sinh nhớ ngày tựu trường. Còn cháu Đông, ai mà ghét cháu được. Cháu có công ấp ủ mầm sống để Xuân về cây cối đâm chồi nảy lộc. Các cháu ai cũng đều có ích, ai cũng đều đáng yêu.Thế là từ đó các nàng tiên ai cũng vui vẻ. Không ai cảm thấy mình thua kém chị em của mình nữa. Họ say sưa đem tài năng của mình đi làm đẹp cho cuộc sống.

 

Hình miêu tả XUÂN –  HẠ – THU – ĐÔNG

Sau khi câu chuyện kết thúc giáo viên yêu cầu học sinh hãy cho biết những cảm nhận của bản thân các em qua câu chuyện vừa rồi? Câu chuyện vừa rồi giúp các em học được bài học gì?

Học sinh trả lời.

Giáo viên chốt.

Bài học được rút ra qua hoạt động này :  Mỗi chúng ta đều có những vẻ đẹp riêng, đều có những đức tính tốt không ai giống ai mỗi người một màu sắc làm cho cuộc sống đầy màu sắc, ai cũng mong muốn được mang lại những điều tốt đẹp cho đời, cho xã hội. Vì vậy chúng ta không có phân biệt đối xử mà phải đoàn kết, yêu thương nhau tạo nên một tập thể vững mạnh. Lứa tuổi học sinh là đại diện cho sức trẻ cần hành động để viết lên mục tiêu cuộc đời và nỗ lực phấn đấu để đạt được mục tiêu tốt đẹp đó.

Hoạt động 2: Tìm hiểu giá trị sống.

Giáo viên cho học sinh biết thế nào là giá trị cuộc sống ( hay giá trị sống), vì sao phải học các giá trị sống. Cho học sinh hiểu rõ ý nghĩa của 12 giá trị sống chân thực là giản dị, hòa bình, hợp tác, khiêm tốn, khoan dung, tự do, yêu thương, trách nhiệm, trung thực, đoàn kết, tôn trọng.  ( phụ lục 1)

Hoạt động 3: Hướng dẫn học sinh làm THẺ giá trị bản thân

Mỗi học sinh sẽ được phát 1 thẻ hình chữ nhật như một lá bài do giáo viên chuẩn bị, có màu sắc khác nhau, sau đó cho học sinh trang trí cái thẻ bài của mình.Trong thẻ bài có các thông tin: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, nickname, kèm theo câu châm ngôn yêu thích , hoặc một câu slogen mang tính truyền động lực, và cái giá trị sống mà bản thân học sinh muốn hướng tới, nỗ lực phấn đấu để có được nó.

Hoạt động 4: Sau khi học sinh làm thẻ giá trị, cho học sinh tìm thông tin của các bạn trong lớp giáo viên cho học sinh chơi trò chơi “hẹn hò” trong 3 phút để cho học sinh trong lớp tìm hiểu nhau, chia sẻ các thông tin trên thẻ bài của mình với các bạn.

Hoạt động 5: Chia tổ 1 cách ngẫu nhiên, mỗi bạn có màu sắc giống nhau thì về chung 1 tổ.

Qua tiết đầu thế này thì sẽ mang lại nhiều ấn tượng giữa học sinh và giáo viên, ấn tượng với các bạn trong lớp và cảm thấy hứng thú cho một năm học mới bắt đầu.

Ảnh thẻ giá trị bản thân của học sinh

Tiết 2: Thảo luận đề ra “kỷ luật yêu thương”

Sau khi đã được chia tổ ở tiết trước, các học sinh trong tổ sẽ được ngồi với nhau. Mỗi tổ sẽ thảo luận nhóm và trình bày trang trí vào giấy rô ki trong thời gian 25 phút, đề ra những nội quy lớp mà các em sẽ cùng nhau thực hiện. và các nội quy đó có nguồn gốc là dựa trên các giá trị nào ? ( hay nói cách khác là các em có được những bài học quý giá nào từ những nội quy đó ), sau đó giáo viên bốc thăm ngẫu nhiên( xốc bài bốc thăm theo bộ thẻ giá trị bản thân đã làm) mỗi tổ một thành viên sẽ có 1 phút lên bảng trình bày. Sau khi trình bày của  các nhóm, giáo viên cùng với học sinh thống nhất những nội quy chung của cả lớp dựa trên các nội quy chung của các tổ. Giáo viên cho học sinh bình chọn theo các tiêu chí cho các nhóm: nhóm nàotrang trí  đẹp nhất, nhóm nào thuyết trình hay nhất, nhóm nào ấn tượng nhất, nhóm nào nhanh nhất.

Sau khi trình bày của  các nhóm, giáo viên cùng với học sinh thống nhất những nội quy chung của cả lớp dựa trên các nội quy chung của các tổ. Học sinh tự đưa ra những nội quy thì sẽ có trách nhiệm hơn, ko ép buộc học sinh thực hiện những nội quy mà học sinh sẽ có ý thức tự giác thực hiện những nội quy mình tự đưa ra.

 

Ảnh nội quy tổ 4

Tiết 3: Tìm hiểu lý lịch, phong cách học tập của học sinh

Học sinh trả lời trên phiếu trắc nghiệm được phát để suy ra phong cách học tập VAK theo NLP ( lập trình ngôn ngữ tư duy).

Sau đó giáo viên tổng hợp thống kê, gợi ý cho HS về cách học hiệu quả, phù hợp cho mình. Học khôn ngoan mà không gian nan.

Giáo viên phát  phiếu cho học sinh tìm hiểu lí lịch học sinh, hoàn cảnh học sinh, sở thích , sở trường, phong cách học VAK ( phụ lục số 2,3,4).

Qua điều tra sẽ hiểu học sinh hơn, biết được phong cách để tư vấn học sinh đúng cách, định hướng một cách đúng đắn cho các phương pháp học tập của các em, từ đó có thể xác định nghề nghiệp cho bản thân. Thông báo với giáo viên bộ môn về đặc điểm tình hình lớp, về phong cách học của học sinh để giáo viên sẽ có phương pháp dạy học hiệu quả.

Biết được hoàn cảnh học sinh để quan tâm học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Hoàn cảnh đặc biệt để giáo viên có thể thông cảm, đồng cảm như một người cha, người thân trong gia đình để sẻ chia nhiềm vui nỗi buồn với học sinh, để có thể dìu dắt khoan dung nâng đỡ học sinh khi các em vấp ngã, để có thể tạo động lực cho các em đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã đó.

 

d.     Hiệu quả mang lại

Kết quả của các hoạt dộng trong tuần sinh hoạt đầu năm ở trên: Qua các hoạt động đã được thực hiện đầu năm đã giúp tôi hiểu học sinh của mình hơn, về mọi khía cạnh như  lý lịch, hoàn cảnh, phong cách học, đặc điểm tính cách của từng học sinh, đặc điểm tình hình chung của lớp. Khi đã rõ ràng về mọi thứ tạo ra sức mạnh, sẽ tạo ra động lực cho bản thân, để có thể  thấu hiểu, khi đã thấu hiểu rồi thì sẽ yêu thương được thì mới có thể giáo dục lòng yêu thương cho các em được. Sẽ gắn kết những học sinh của mình với nhau sẽ làm cho lớp đoàn kết. Lớp học là một gia đình thực sự và nó phải là nơi an toàn nhất với học sinh. Có một vị danh nhân đã từng nói rằng: “Một đứa trẻ được yêu thương bởi một thầy cô say sưa, tâm huyết và yêu thương chắc chắn sẽ là một đứa trẻ hiểu chuyện và trưởng thành” và tôi thấy thật đúng như vậy.

2/ Giáo dục tình yêu ông bà cha mẹ vào trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm

a.Mục tiêu

Gia đình là nơi chứa đựng những tình cảm thân thương và chân thành nhất của một đời người. Ở đó, ta nhận được tình yêu thương của ông bà, cha mẹ, của anh chị em và của những người thân yêu ruột thịt. Gia đình là trường học đầu tiên của mỗi con người. Gia đình nuôi ta khôn lớn, giúp ta hình thành nhân cách, là chỗ dựa tinh thần vững chắc, là nơi ai cũng muốn được trở về. Hơn ai hết, bản thân chúng ta là những người thầy, người cô chúng ta cũng từng là những người con và giờ đây là những người làm cha làm mẹ, chúng ta là người hiểu rõ được vấn đề này nhất. Vì vậy tôi nghĩ nên giáo dục cho học sinh biết trân trọng tình cảm gia đình và yêu thương, quan tâm đến những người xung quanh. Gia đình là tổ ấm không gì có thể thay thế được. Hãy làm tất cả những gì có thể để cho cha mẹ mãi nở nụ cười trên môi, khi đó ta sẽ cảm thấy cuộc sống này hạnh phúc và ấm áp biết nhường nào. Và cũng là thực hiện được những điều dạy của Bác Hồ:

Ảnh 5 điều bác Hồ khuyên

b.Thời gian thực hiện

 Tôi đã lồng ghép thường xuyên trong các tiết sinh hoạt của mình trong các tháng 10, tháng 3, tháng 5. Đây là những thời gian có các ngày lễ về mẹ, về ba về gia đình.  

c. Tiến trình thực hiện

 Giáo viên sử dụng các phương pháp dạy học tích cực để giáo dục cho học sinh.

 Ví dụ trong tiết sinh hoạt tuần số 3 tháng 10 trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm, tôi đã tổ chức các hoạt động cho lớp như sau:

Hoạt động 1: cho học sinh thảo luận bàn tay đẹp

Sau hát tập thể, tổ trưởng, lớp trưởng lớp phó, ban cán sự lớp tổng kết thi đua, giáo viên chủ nhiệm nhận xét rút kinh nghiệm, triển khai kế hoạch chính của tuần tới.

Sau đó giáo viên cho học sinh ngồi theo nhóm thảo luận trong thời gian 5 phút để đề ra tiêu chí chọn bàn tay đẹp của cả tổ, chọn bàn tay đẹp nhất trong tổ, sau đó vẽ bàn tay đẹp ra giấy A3.

Sau khi vẽ xong, các nhóm có 1 phút trình bày lý do tiêu chí chọn bàn tay đẹp của nhóm  mình. Các nhóm trình bày trước lớp.

 

Ảnh học sinh đang vẽ bàn tay

 

Ảnh học sinh đang huyết trình bàn tay đẹp

Hoạt động 2: Giáo viên cho học sinh xem 1 đoạn clip phỏng vấn bàn tay đẹp

Nguồn: https://youtu.be/Qu8cKspSJD8

Sau đó cho học sinh nghe bài bàn tay mẹ

Nguồn : https://youtu.be/q0QROjL19HI          

Qua đó giáo viên cho học sinh thấy được bàn tay chai sần, xương xẩu của mẹ mới là bàn tay đẹp nhất. Bàn tay không chỉ là đẹp ngoài bề ngoài mới là bàn tay đẹp. Bàn tay mẹ đã làm lụng vất vả ngày đêm, đã bồng bế chúng ta từ lúc sinh ra nuôi nấng ta nên người.

Hoạt động 3: Giáo viên cho họ sinh nghe bài hát nhật ký của mẹ và viết những lời cảm nhận về mẹ, viết thư cho ba mẹ, cả lớp chìm trong không khí đầy cảm xúc, khóc thật nhiều, đến 11h50 mới bỏ thư vào phong bì thư dán lại đưa thầy để thầy chuyển cho bố mẹ trong buổi họp phụ huynh.

d.     Hiệu quả mang lại.

Thật sự buổi sinh hoạt lớp ngày hôm đó rất xúc động, tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Tôi đã đưa các em đi từ cung bậc cảm xúc này đến cảm xúc khác. Tôi nhận thấy rằng chúng ta nhắc nhở các em phải yêu thương ông bà cha mẹ của mình không được thế này không được thế kia, phải ngoan, phải học bài …. Nhưng nhiều học sinh sẽ nhàm vì một số em không thích nghe những lời nói suông, những lời “ giáo huấn” như vậy. Nhưng qua các hoạt động như vậy thì các em sẽ tự nhận, ngỡ  ra được mình sẽ biết tự làm gì, không cần giáo viên sẽ nhắc đi nhắc lại nhiều lần gây nhàm chán.

3/ Quyên góp giúp các bạn học sinh nghèo,  giúp đỡ người khác

a.Mục tiêu :

   Giáo dục cho học sinh biết yêu thương những người xung quanh, những người có hoàn cảnh khó khăn. Cho học sinh thấy được truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Thấy được tấm gương sáng của Bác Hồ về lòng yêu thương con người.

b. Cách thực hiện

     Giáo viên chiếu cho học sinh xem cảnh nạn đói năm 1945 của dân tộc ta. Theo Bác Hồ : ''Nước nhà đã giành được độc lập tự do mà dân vẫn còn đói nghèo cực khổ thì độc lập tự do không có ích gì''.  Người đã khởi xướng, đề xuất và gương mẫu thực hiện phong trào “hũ gạo cứu đói”, với nghĩa cử cao đẹp mỗi tuần nhịn ăn một bữa,  mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo”. Cùng với phong trào ''Tuần lễ vàng''. Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, ở khắp các địa phương trên cả nước, Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc vận động nhân dân hưởng ứng lời kêu gọi. Một phong trào quyên góp, tổ chức “ngày đồng tâm”, “hũ gạo cứu đói”... được phát động mạnh mẽ. Trên tinh thần “tình làng nghĩa xóm”, hoạn nạn có nhau, chỉ sau một thời gian ngắn số lương thực cứu đói thu được khá nhiều, giải quyết kịp thời nhu cầu bức thiết của đời sống nhân dân.

Từ đó giáo viên triển khai: Trong lớp chúng ta có các bạn học sinh có hoàn cảnh  khó khăn vì vậy chúng ta hãy cùng nhau chung tay thực hiện lời dạy của  Bác Hồ mỗi ngày  tiết kiệm 1 ngàn đồng bỏ vào heo đất của lớp. Phong trào này được cả lớp đồng tình và thực hiện.

Cụ thể kết thúc năm học 2018 – 2019 lớp tôi đã góp được số tiền là 1.000.000 đồng,  số tiền này đã trao cho 2 em học giỏi, biết vươn lên trong cuộc sống là Nguyễn Kim Ngọc và Nguyễn Thị Thêu trong buổi tổng kết cuối năm.

c. Hiệu quả mang lại :

    Qua các việc làm cụ thể này các em đã được học bài học là sự gắn kết yêu thương giữa các bạn bè trong lớp, biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau theo tinh thần lá lành đùm lá rách. Biết giúp đỡ người khác trong lúc khó khăn là mọt điều đáng trân quý bởi cho đi là nhận lại. Qua việc trải nghiệm thực tế phần nào học sinh cũng hiểu rõ hơn về những nỗi vất vả cực khổ của những người nông dân, từ đó thấy được hình ảnh của bố mẹ mình (vì đa số phụ huynh ở đây đều làm nông), mà từ đó sẽ cố gắng chăm chỉ học hành hơn.

4.  Giáo dục"tôn trọng sự khác biệt" cho học sinh

 a.Mục tiêu:

     Đây là một nội dung mới về biểu hiện lòng nhân ái trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Bản chất của cuộc sống, của thế giới là sự đa dạng, phong phú, nhiều màu sắc. Mỗi người là một cá thể riêng biệt, độc đáo không trộn lẫn, không lặp lại. Ngay cả những cặp anh chị em sinh đôi, có cùng cha mẹ, cùng hưởng thụ một cách nuôi dưỡng, một nền giáo dục gia đình, cũng không hoàn toàn giống nhau, thậm chí sự khác biệt cũng rất rõ nét. Vậy làm sao có thể bắt người khác giống mình về sở thích, khiếu thẩm mĩ, quan điểm sống và nhiều thứ khác nữa? Do đó nhiệm vụ giáo viên là phải giáo dục cho học sinh vấn đề này.

b. Thời gian thực hiện:

     Thực hiện trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm tháng 9, sau khi đã điều tra phong cách VAK theo NLP.

c. Tiến trình thực hiện :

     Sử dụng các phương pháp dạy học tích cực để thực hiện. Sau đây là sử dụng phương pháp trò chơi

 Bước 1: Chơi trò chơi Ở NGOÀI KIA LÀ RỪNG RẬM (tham khảo trong cuốn Kỉ luật tích cực). Giáo viên in sẵn hình ảnh 4 con vật: sư tử, đại bàng, rùa, thỏ và dán 4 góc (có thể đổi con khác cũng được). Yêu cầu học sinh chọn 1 con mình muốn trở thành và đứng vào góc có dán hình con đó. Giáo viên phát tờ giấy ở nửa trên có in sẵn câu "Tại sao mình muốn thành sư tử?", nửa dưới in câu "Tại sao mình không muốn thành đại bàng, rùa, thỏ?". Tương tự cho 3 tờ giấy còn lại. Cho mỗi nhóm 5 phút liệt kê các lý do muốn và không muốn vào giấy.

 Bước 2: Mỗi nhóm cử đại diện lên đọc to lý do vì sao nhóm mình thích vật đó (ví dụ thích sư tử vì nó oai phong dũng mãnh), cử 1 em tình nguyện viên đọc 3 tờ giấy còn lại nêu lý do không thích con sư tử (vì nó hung hăng, tạo cảm giác sợ hãi...). Tương tự như thế cho 3 con vật còn lại. Đảm bảo bước này cả lớp cười rần rần vì những lý do trời ơi đất hỡi kiểu như : "tớ không ưa con rùa vì nó chậm chạp mà thời 4.0 chậm thì lấy gì ăn",…

 Bước 3: Hỏi học sinh học được bài học gì qua trò chơi vừa rồi. Các em sẽ trả lời được: Con vật mà em thích có khi bạn ghét, ít nhất có 4 cách nhìn khác nhau về 1 con vật cả tốt lẫn xấu.

          Giáo viên sẽ chốt bài học: Có nhiều cách để nhìn nhận một ai đó, điều mình không thích ở người này thì có khi ai đó lại thấy điều đó là tốt, giả sử mỗi bạn trong lớp mình là một con vật thì sẽ có gần mấy chục cách nhìn khác nhau về ai đó, mỗi người đều có ưu và khuyết điểm riêng, nên nhìn thấy điều tốt của bạn thì mới gần gũi nhau, lớp mới thành một tập thể đoàn kết được.

 Bước 4: Giáo viên chuẩn bị sẵn các thẻ nhỏ, mỗi thẻ ghi tên 1 bạn và phát thẻ ngẫu nhiên trong lớp. Ai nhận được thẻ có tên bạn viết trong thẻ thì hãy viết vào mặt sau 1 điều tốt mà mình nhìn thấy ở bạn. Sau đó chạy quanh lớp tìm bạn và trao thẻ, bắt tay nhau nói "mình thích điều đó ở bạn". Bước này em thấy có nhiều em phấn khích khi đọc được nhận xét từ bạn mình, có em cảm động đứng như trời trồng hỏi "ủa tui tốt thiệt vậy hả".

d. Hiệu quả mang lại :

     Mỗi một con người sinh ra đều bình đẳng như nhau, mỗi người có một thế mạnh khác nhau không ai giống ai tạo nên một màu riêng cho bản thân họ, từ đó sẽ vẽ nên một bức tranh đa sắc màu cho toàn bộ con người trên thế giới. Cũng như xuân, hạ , thu đông, mỗi một mùa có đặc điểm riêng vậy, nhưng tất cả đều bổ sung hổ trợ cho nhau để tạo nên một thể thống nhất cho thiên nhiên tươi đẹp, đa dạng, phong phú. Cho nên chúng ta cần phải tôn trọng sự khác biệt đó của họ. Từ đó học sinh sẽ thấy được trong lớp cần phải yêu thương nhau, không khinh rẽ, chia rẽ ai, tất cả đều bình đẳng với nhau tạo nên một tập thể thống nhất và đoàn kết.

III/ KẾT QUẢ

       Trong công tác chủ nhiệm cùng với việc giáo dục kĩ năng sống, đạo đức,  giáo dục lòng nhân ái cho học sinh đã mang lại một số kết quả nhất định cho lớp tôi chủ nhiệm. Học sinh trong lớp đoàn kết yêu thương nhau, ngoan ngoãn,  không vi phạm nội quy nhà trường. Hàng tuần tổng kết thi đua luôn đạt thứ hạng nhất, nhì.

Ảnh một góc của lớp học về các tính cách của mỗi học sinh tự chọn tạo nên vườn tâm hồn

Bên cạnh những kết quả định lượng như trên thì tôi còn nhận được ở các em là sự yêu thương chân thành của các em giành cho nhau, của các em đối với phụ huynh, của các em đối với tôi và đó là những tình cảm trân quý nhất, là những thứ kết quả mà không thể cân đo đong đến được. Và tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Những gì đến với trái tim sẽ nhận lại được bằng trái tim.

IV. KẾT LUẬN

Người Việt Nam ta từ xa xưa đã có câu tục ngữ "Thương người như thể thương thân" hay "Lá lành đùm lá rách", đó là những lời răn dạy của cha ông muốn nhắc nhở con cháu phải biết yêu thương lẫn nhau. Tương thân tương ái hay chính là lòng nhân ái là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta bao đời nay, lòng nhân ái là một trong những biểu hiện tình cảm tốt đẹp. Nó gắn kết con người gần với nhau hơn, tạo dựng những mối quan hệ xã hội bền vững.

Lòng nhân ái, thực ra không phải thứ tình cảm gì đó xa xỉ mà đó chính là những tình cảm được xuất phát từ trái tim một cách chân thành nhất. Lòng nhân ái là sự cho đi mà không cần so đo tính toán thiệt hơn, cũng không mong cầu sẽ được nhận lại, lòng nhân ái đơn giản là những hành động chia sẻ, giúp đỡ và cảm thông lẫn nhau. Lòng nhân ái luôn có sẵn trong tâm hồn mỗi con người, có chăng là chúng ta đã đánh thức nó dậy hay chưa mà thôi, ai cũng có thể có lòng nhân ái và ai cũng có thể trao đi lòng nhân ái đó dành cho mọi người xung quanh. Không cần phải là những việc làm to tát, lòng nhân ái hiện diện xung quanh cuộc sống thường ngày của chúng ta.

Từng lời nói, cử chỉ, hành động và biểu hiện của chúng ta đều có thể là công cụ trao đi lòng nhân ái tới mọi người, đơn giản như giúp đỡ người già đi bộ qua đường lúc đèn đỏ, giúp người hỏng xe giữa đường, cho người khác đi nhờ xe,... đó là một số trong vô vàn những sự việc diễn ra hàng ngày. Trên phạm vi rộng hơn, lòng nhân ái là khi giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn như xây nhà tình nghĩa, ủng hộ đồng bào vùng thiên tai, lũ lụt, xây dựng trường học cho các em vùng sâu vùng xa,... Đó là những chương trình, hành động rất thiết thực mà rất nhiều những cơ quan, tổ chức và Nhà nước ta đã và đang thực thi, tất cả vì mục đích trao đi yêu thương, giúp đỡ và sẻ chia mang niềm vui hạnh phúc đến những số phận kém may mắn. Lòng nhân ái giữa đồng bào với nhau chính là sức mạnh giúp đất nước ta trải qua biết bao cuộc chiến tranh, là nền tảng vững chắc đưa nước ta hiên ngang tiến bước sánh vai với các cường quốc năm châu. Con người có sự gắn kết và yêu thương lẫn nhau sẽ tạo nên một khối đoàn kết dân tộc vững mạnh và sẽ không có kẻ thù nào có thể xâm phạm tới

PHẦN III. CÁC ĐIỀU KIỆN CẦN THIẾT ĐỂ ÁP DỤNG CỦA SÁNG KIẾN

1. Điều kiện về cơ sở vật chất

          Nhà trường cần trang bị đầy đủ về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, bảng tương tác, máy chiếu, mua các phần mềm để giáo viên tiếp cận với công nghệ  trong thời đại mới.

2. Điều kiện về con người

          Giáo viêm chủ nhiệm phải có tâm, thật sự nhiệt huyết, yêu người yêu nghề, phải thường xuyên sử dụng công nghệ thông tin lồng ghép trong các tiết sinh hoạt chủ nhiệm theo chủ đề.

PHẦN IV. LỢI ÍCH THU ĐƯỢC CỦA SÁNG KIẾN

- Đánh giá lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng sáng kiến theo ý kiến của tác giả:

Xã hội vẫn tồn tại những người không có lòng nhân ái, họ chỉ sống cho riêng cá nhân mình, mọi việc làm, suy nghĩ và hành động chỉ cốt lấy lợi ích cho bản thân mà không quan tâm đến người khác. Con người không có lòng nhân ái chỉ là người nhỏ nhen, ích kỷ và vô tâm, đi ngược lại với nhân cách con người. Một xã hội chỉ toàn những người không có lòng nhân ái, xã hội đó sẽ luôn xảy ra mâu thuẫn, bất hòa và xung đột, không thể tồn tại lâu dài chứ chưa nói đến việc phát triển. Vì vậy, dù là một hành động nhỏ thôi, chúng ta hãy cùng trao đi lòng nhân ái của mình, đem lòng nhân ái của mình lan tỏa và lay động đến mọi người, cùng nhau sống trong yêu thương, xây dựng xã hội văn minh và phát triển bền vững.

  vậy, qua đề tài tôi đã giáo dục được cho các em hiểu thế bào là lòng nhân ái, vì sao phải có lòng nhân ái, và đã gắn kết được sự yêu thương đoàn kết lẫn nhau trong lớp. Đã giáo dục được cho các em tình yêu thương ông bà cha mẹ, và đặc biệt là sự tôn trọng sự khác biệt của những người khác. Đất nước ta còn đang trong quá trình phát triển, còn nhiều khó khăn chồng chất, gìn giữ và phát huy truyền thống nhân ái cho học sinh, cho thế hệ trẻ chính là củng cố sức mạnh cho khối đại đoàn kết dân tộc trước các thế lực thù địch bên ngoài.

 

PHỤ LỤC 1

 GIÁ TRỊ CUỘC SỐNG ( LIVING VALUES)

1. Giá trị cuộc sống là gì?

Giá trị cuộc sống ( hay giá trị sống) là những điều chúng ta cho là quý giá, là quan trọng, là có ý nghĩa đối với cuộc sống của mỗi người. Giá trị sống trở thành động lực để người ta nỗ lực phấn đấu để có được nó.

2.Tại sao chúng ta phải học giá trị sống?

Có những giá trị sống đích thực, trở thành những giá trị chung cho nhiều người và toàn xã hội như lòng trung thực, hoà bình, tôn trọng, yêu thương, công bằng, tình bằng hữu, lòng vị tha.

Không phải ai cũng nhận đúng giá trị của cuộc sống. Có người cho rằng trở thành người giàu có mới là "giá trị đích thực". Có người lấy danh vọng làm thước đo giá trị. Vậy là họ cố gắng bằng mọi cách để có được những chức vị nào đó. Nhưng khi những chức vị ấy mất, bị tước bỏ, con người trở nên "trắng tay", vô giá trị.

Có người coi sự nhàn hạ là giá trị cuộc sống. Họ trốn tránh trách nhiệm, lười lao động, chọn những công việc, nghề nghiệp không vất vả. Cuối cùng, họ chẳng làm được gì cho bản thân và xã hội.

Vậy là các bạn đã nhận nhầm giá trị ảo, coi đó là giá trị đích thực.

Vì vậy, học tập để nhận diện đúng đâu là giá trị đích thực của cuộc sống là điều cần thiết với tất cả mọi người.

3.  Giá Trị Sống theo unesco

3.1.Hòa Bình

Hòa Bình không đơn giản chỉ là vắng bóng chiến tranh, mà là khi chúng ta đang sống hòa thuận và không có sự tranh đấu với nhau.

Hòa Bình còn có nghĩa là sống với sự tĩnh lặng và thư thái của nội tâm.

3.2 Tôn trọng

Tôn trọng trước hết là Tự Trọng là biết rằng tự bản chất bạn cũng là người có giá trị như bất kỳ người nào khác. Một phần của tự trọng mà nhận biết những phẩm chất của chính bản thân mình. Tôn trọng chính bản thân mình là lên tàu làm tan trường về sự tình cải nhau. Khi chúng ta tôn trọng chính mình thì cũng sẽ dễ dàng để tôn trọng người khác hơn, và những ai biết tôn trọng sẽ nhận lại được sự tôn trọng.

3.3.Hợp tác

Hợp tác là khi mọi người biết làm việc chung với nhau và cùng hướng về một mục tiêu chung.

3.4.Trách nhiệm

Trách nhiệm là việc bạn có phần của mình vào công việc chung. Trách nhiệm đang được thực hiện nhiệm vụ với lòng trung thực.

3.5.Trung thực

Trung thực là nói sự thật. Khi trung thực bạn cảm thấy tâm hồn trong sáng và nhẹ nhàng. Một người trung thực và chân chính thì xứng đáng được tin cậy.

3.6.Khiêm tốn

Khiêm tốn là anh ở, nói năng, làm việc một cách nhẹ nhàng và đơn giản và hiệu quả. Khiêm tốn làm liền với lòng tự trọng. Khiêm tốn là khi bạn nhận biết đúng khả năng, vị thế của mình, nhưng không ai khác.

3.7.Giản dị

Giản dị là sống tự nhiên không giả tạo. Giản dị là chấp nhận hiện tại và không làm cho mọi điều trở nên phức tạp.

3.8.Khoan dung

khoan dung là tôn trọng qua sự hiểu biết lẫn nhau

3.9.Đoàn kết.

Đoàn kết là sự thoả thuận giữa các cá nhân trong nhóm, một tập thể mà tổ chức.

3.10.Tình yêu thương.

Yêu thương người khác nghĩa là bạn muốn điều tốt đến với họ. Yêu và biết lắng nghe, chia sẻ. Khi bạn yêu thương trọn vẹn giận dữ sẽ tránh xa. Tình yêu là giá trị làm cho các mối quan hệ trở nên tốt hơn.

3.11.Tự do.

Tất cả mọi người đều có quyền tự do. Trong sự tự gọi mọi người có buồn vẫn tôn trọng quyền lợi của những người khác.

3.12.Hạnh phúc

Hạnh phúc là trạng thái bình an của tâm hồn khiến con người không có những thay đổi đột ngột hay bạo lực. Khi bạn trao hạnh phúc thì nhận được hạnh phúc. Khi bạn hy vọng, đó là lúc hạnh phúc. Khi bạn yêu thương sự bình an nội tâm và hạnh phúc chợt đến ngay. Nói những lời tốt đẹp về mọi người đem lại hạnh phúc nội tâm. Những hành động trong sáng và quên mình sẽ đem đến hạnh phúc. Hạnh phúc lâu bền là trạng thái của sự hài lòng bên trong.


PHỤ LỤC 2

SƠ YẾU LÝ LỊCH HỌC SINH

 

1.     THÔNG TIN CHUNG: ( Đúng với Giấy khai sinh và sổ hộ khẩu)

-         Họ và tên: ……………………………………     -   Giới tính: ……….

-         Ngày sinh: …………

-         Nơi sinh (ghi rõ huyện, tỉnh):………………………………………………….

-         Địa chỉ thường trú (ghi rõ thôn, xã, huyện theo hộ khẩu):

…………………………………………………………………………………

2.     THÔNG TIN CÁ NHÂN:

-         Dân tộc: ……………………………………      Tôn giáo: …………………

-         Đối tượng chính sách (đánh dấu “X” vào ô tương ứng):

+ Con Liệt sỹ

+ Con thương binh

+ Con bệnh binh

+ Hộ nghèo

+ Hộ cận nghèo

+ Mồ côi cả cha lẫn mẹ

+ Con của người có công

+ Con anh hùng

+ Hộ khẩu vùng cao

+ Dân tộc có hộ khẩu vùng cao

+ Bị khuyết tật

-         Số điện thoại bản thân: ………………………….

3.     THÔNG TIN GIA ĐÌNH:

-         Họ tên cha: ………………………………………..      Năm sinh:…………

Nghề nghiệp: …………………………   Số điện thoại: ……………………

-         Họ tên mẹ: ………………………………………..      Năm sinh: ………

Nghề nghiệp: …………………………   Số điện thoại: ……………

4. THÔNG TIN THÊM

(Các thông tin dưới đây các em hãy trả lời thật, chúng sẽ được đảm bảo giữ kín)

- Sở thích:……………………………………………………………

- Chơi được môn thể thao nào…………………………………………………………….

- Chơi được loại nhạc cụ nào:……………………………………………

- Có thể hát trước đám đông không:……………………………………

- Dòng nhạc yêu thích………………………………………………………

- Ca sĩ / Nhóm nhạc yêu thích:…………………………………

- Thần tượng………………………………………………………

- Ước mơ:……………………………………………………………..

- Nghề nghiệp mong muốn…………………….…………………

- Sở trường: (Có thể làm được gì cảm thấy ưng ý nhất , kể cả những thứ không tên): …………………………………………………………………………………………..

- Môn học yêu thích nhất:…………………………………………….

- Môn học có kết quả tốt nhất:…………………………………….

- Môn học không “ưa” nhất:…………………………………………….

- Thời gian dành cho việc học là bao nhiêu: ………………….giờ/ngày

- Có phụ giúp cha mẹ công việc nào trong gia đình không: ……………………………

- Có thường xuyên tâm sự, chia sẻ với cha mẹ về chuyện học hành, chuyện trường lớp hoặc các khó khăn khác hay không? :…………………………………….

- Khi buồn, có tâm trạng thường làm gì…………………………………….

- Nick FB là:……………………………. Thời gian online: ………………. tiếng / ngày

- Có chơi game online nào không:…………………………..

- Thời gian chơi cho 1 ngày: …………………………………

- Có hút thuốc lá không: ……………………………………..

- Nhà cách trường bao nhiêu km: …………………………………………………………

- Đến trường bằng phương tiện nào:…………………… …………………………………

- Bạn thân nhất tên là:………………………………………. Lớp:…………..

- Có yêu / thích bạn khác giới nào không?: ……… ….Trong hay ngoài trường:……… cùng lớp hay khác lớp ……………………………………………………………………

- Mong muốn được tổ chức những hoạt động gì (như thế nào) cho lớp, cho bản thân:

…………………………………………………………………………………………….

- Có đóng góp gì để giúp cải thiện tình trạng học tập và các hoạt động của lớp:              

……………………………………………………………………………………………

- Có vấn đề gì đặc biệt cần lưu ý về sức khỏe… hay không (ghi rõ nếu có): …..………………………………………………………………………………………

PHỤ LỤC 3

Phương pháp học tập VAK là gì và cách xác định ?

Phương pháp học tập VAK là gì?
Bạn có biết rằng mỗi con người chúng ta có 3 cách tiếp nhận thông tin? Đó là Tiếp nhận thông tin bằng hình ảnh (Visual), bằng âm thanh (Auditory) và cuối cùng là tiếp nhận thông tin bằng vận động (Kinesthetic). Và một điều nữa có thể bạn chưa biết đó là mỗi người chúng ta có cách tiếp nhận thông tin khác nhau. Nói đơn giản là có người học hiệu quả bằng cách nhìn, đọc sách, nhìn lên bảng; có người học hiệu quả hơn nếu được nghe giảng, nói trực tiếp; và cũng có người học là phải vận động, thực hành nhiều thì mới hiệu quả.
Trắc nghiệm xác định VAK
1. Vậy bạn là típ người như thế nào? hãy cùng làm bài trắc nghiệm sau để biết bạn phù hợp với phương pháp học tập như thế nào nhé:
Khi tôi sử dụng một thiết bị mới, tôi thường:
a. Đọc hướng dẫn sử dụng trước.
b. Nghe hướng dẫn từ một ai đó đã từng sử dụng rồi.
c. Cứ thử sử dụng, tôi sẽ biết cách sử dụng nó như thế nào.

2. Khi cần tìm đường đi, tôi thường:
a. Xem bản đồ.
b. Hỏi ai đó đường đi.
c. Đi theo linh cảm của bản thân, hay có thể sử dụng một cái la bàn.

3. Khi thử nấu một món ăn mới, tôi thường:
a. Làm theo công thức nấu đã được viết sẵn.
b. Gọi cho một người bạn nào đó và nhờ hướng dẫn.
c. Làm theo bản năng và tự thử nghiệm trong lúc nấu.

4. Nếu tôi phải dạy người khác một cái gì đó mới, tôi thường:
a. Ghi rõ hướng dẫn cho họ.
b. Hướng dẫn họ bằng lời nói.
c. Làm mẫu cho họ trước, sau đó để họ làm theo.

5. Tôi thường hay nói:
a. “Hãy xem tôi làm”.
b. “Hãy nghe tôi hướng dẫn”.
c. “Bạn cứ làm thử đi”.

6. Khi có thời gian rảnh rỗi, tôi thường:
a. Đi đến viện bảo tàng hay phòng tranh.
b. Nghe nhạc hay nói chuyện phiếm với bạn bè.
c. Chơi thể thao hay tự tay sửa chữa đồ đạc trong nhà.

7. Khi đi mua sắm, tôi thường:
a. Tưởng tượng bộ quần áo mình muốn mua sẽ trông như thế nào.
b. Tham khảo ý kiến với người bán hàng.
c. Mặc thử xem như thế nào.

8. Khi tôi lựa chọn cho kỳ nghỉ, tôi thường:
a. Đọc nhiều tờ rơi quảng cáo.
b. Nghe những gợi ý của bạn bè.
c. Tưởng tượng khi mình tới những nơi đó sẽ như thế nào.

9. Khi tôi muốn mua một chiếc xe mới, tôi thường:
a. Đọc nhận xét trên các báo và tạp chí.
b. Trao đổi những yêu cầu của mình với bạn bè.
c. Thử chạy nhiều loại xe khác nhau trước khi quyết định mua.

10. Khi tôi học một kỹ năng mới, tôi thường:
a. Quan sát những gì giáo viên làm.
b. Thảo luận kỹ càng với giáo viên những thứ mà mình phải làm.
c. Tự mình làm thử và học hỏi trong quá trình làm.

11. Khi chọn một món ăn từ thực đơn, tôi thường:
a. Tưởng tượng thức ăn khi mang ra sẽ trông như thế nào.
b. Tự trao đổi với bản thân (hoặc với người bạn nếu đang đi cùng) nên chọn món ăn nào.
c. Tưởng tượng thức ăn khi mang ra sẽ có mùi vị như thế nào.

12. Trong quá trình học, tôi thích giáo viên:
a. Dùng nhiều sơ đồ, hình ảnh minh họa.
b. Giải thích kỹ càng bằng nhiều cách khác nhau.
c. Hướng dẫn cho các học viên tự làm để rút ra bài học.

13. Khi tôi nghe một ban nhạc chơi, tôi thường:
a. Quan sát các thành viên trong ban nhạc cũng như các khán giả.
b. Lắng nghe lời bài hát và điệu nhạc.
c. Thả mình và nhảy múa theo điệu nhạc.

14. Khi tôi tập trung, tôi thường:
a. Tập trung vào các từ ngữ và hình ảnh trước mắt mình.
b. Tự thảo luận các vấn đề và giải pháp khả thi trong đầu mình.
c. Đi tới đi lui, quay bút hay bấm đầu bút, nhịp chân, hay làm một cái gì đó.

15. Tôi thường chọn sản phẩm nội thất hoặc gia dụng dựa trên:
a. Màu sắc và vóc dáng của chúng.
b. Những thông tin mà người bán hàng đưa.
c. Chất liệu của sản phẩm và cảm giác khi sờ vào.

16. Khi bồn chồn lo lắng, tôi thường:
a. Tưởng tượng tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
b. Tự nói với mình về điều khiến mình lo nhất.
c. Không ngồi yên được, phải đứng ngồi hoặc di chuyển liên tục.

17. Tôi thường có cảm tình với người khác bởi:
a. Vẻ ngoài của họ.
b. Những lời họ nói với mình.
c. Họ làm mình cảm thấy ra sao.

18. Khi phải ôn tập cho một kỳ thi, tôi thường:
a. Viết ra nhiều giấy nháp ôn bài, hoặc vẽ biểu đồ tóm tắt.
b. Tự trao đổi với bản thân hoặc học theo nhóm, trao đổi với bạn bè.
c. Đi tới đi lui, liên tưởng đến các công thức qua các cử chỉ tay chân.

19. Trong lớp học, tôi hay bị mất tập trung khi:
a. Thấy một cái gì đó ngoài cửa sổ.
b. Nghe thấy một tiếng động gì đó.
c. Ngồi yên quá lâu.

20. Khi giải thích cho ai một điều gì đó, tôi thường:
a. Cho người đó xem ý của mình là gì.
b. Giải thích nhiều cách khác nhau cho đến khi họ hiểu.
c. Khuyến khích họ thử và giải thích trong lúc họ đang làm.

21. Tôi rất thích:
a. Xem phim, chụp ảnh, ngắm các tác phẩm nghệ thuật hoặc ngắm người đẹp.
b. Nghe nhạc, radio hay nói chuyện với bạn bè.
c. Tham gia các hoạt động thể thao, khiêu vũ hoặc thưởng thức món ăn, thức uống ngon.

22. Trong một hành trình dài, tôi thường:
a. Ngắm cảnh ngoài cửa sổ hay đọc sách, báo, tạp chí.
b. Nghe nhạc hoặc nói chuyện với những người ngồi cùng chuyến.
c. Mong đợi được tới các trạm dừng để có thể đi lại cho thoải mái.

23. Trong những lúc rãnh rỗi, tôi thích:
a. Xem tivi.
b. Trò chuyện với bạn bè.
c. Tham gia các hoạt động hoặc có việc gì đó để làm.

24. Khi tôi làm quen với một người, tôi thường:
a. Sắp xếp gặp mặt trực tiếp.
b. Nói chuyện với họ qua điện thoại.
c. Sắp xếp tham gia chung một hoạt động gì đó để làm quen nhau.

25. Tôi thường để ý người khác:
a. Qua cách họ ăn mặc và vẻ bề ngoài như thế nào.
b. Qua cách họ nói chuyện như thế nào.
c. Qua cách họ đi đứng như thế nào.

26. Khi tức giận, tôi thường:
a. Liên tục hồi tưởng lại trong đầu điều gì đã khiến mình không vui.
b. Lên tiếng cho mọi người biết mình cảm thấy như thế nào.
c. Đạp bàn ghế, đạp cửa hoặc các hành động khác để trút cơn giận.

27. Tôi thấy mình có khả năng nhớ tốt:
a. Khuôn mặt người khác.
b. Tên người khác.
c. Những việc tôi đã làm.

28. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể biết ai đó đang nói dối khi:
a. Họ tránh nhìn mình.
b. Họ thay đổi giọng nói.
c. Họ biểu lộ những cử chỉ lạ.

29. Khi tôi gặp lại một người bạn cũ:
a. Tôi thường nói: “Lâu rồi không gặp bạn!”
b. Tôi thường nói: “Lâu rồi không nghe tin gì của bạn!”
c. Tôi thường ôm, bắt tay hay khoác vai người đó.

30. Tôi có khả năng nhớ tốt nhất khi:
a. Viết ghi chú, hoặc giữ lại những tài liệu đã được in ra hay ghi chép cẩn thận.
b. Đọc to hoặc lặp đi lặp lại từ ngữ, các ý chính trong đầu mình.
c. Làm và luyện tập các hoạt động, hoặc tưởng tượng những điều đó được làm như thế nào.

31. Nếu phải phản ánh về những sản phẩm có lỗi, tôi sẽ làm bằng cách:
a. Viết một lá thư phản ánh.
b. Phản ánh qua điện thoại.
c. Gửi trả sản phẩm lại công ty.

32. Tôi thường nói:
a. Tôi thấy ý của bạn là gì rồi.
b. Tôi nghe bạn nói gì rồi.
c. Tôi biết bạn cảm thấy như thế nào.

Kết quả trắc nghiệm VAK

Nếu bạn chọn nhiều kết quả A nhất, nghĩa là bạn có phương pháp học bằng “Hình ảnh” (Visual) nổi trội nhất.

Nếu bạn chọn nhiều kết quả B nhất, nghĩa là bạn có phương pháp học bằng “Âm thanh” (Auditory) nổi trội nhất.

Nếu bạn chọn nhiều kết quả C nhất, nghĩa là bạn có phương pháp học bằng “Vận động” (Kinesthetic) nổi trội nhất.

Previous Post Next Post

QC

QC